Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Dick Durbin vừa kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị trên toàn thế giới, trong đó có Phạm Đoan Trang và Phạm Chí Dũng, hai nhà báo độc lập đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm vì những bài viết của họ.
“Tôi muốn tập trung vào Việt Nam, quốc gia mà Hoa Kỳ vừa xây dựng [mối quan hệ] cực kỳ tốt đẹp trong những năm gần đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đứng cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới - vào năm 2024, xếp thứ 174/180”, Thượng nghị sĩ Dick Durbin phát biểu ngày 10/12 tại Thượng viện Mỹ.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do ngôn luận, với quá nhiều nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền phải đối mặt với sự sách nhiễu, giam cầm và nhà tù khắc nghiệt qua những bản án theo cái gọi là điều luật ‘tuyên truyền chống nhà nước’”, vẫn Thượng nghị sĩ Durbin đại diện cho bang Illinois phát biểu, đồng thời đưa ra chân dung của hai nhà báo Việt Nam đang bị cầm tù là ông Phạm Chí Dũng và bà Phạm Đoan Trang.
“Ông Phạm Chí Dũng, một trong những cộng tác viên nổi tiếng nhất của Ban tiếng Việt, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), người đã bị kết án 15 năm tù vào năm 2021”, vị thượng nghị sĩ nói.
Your browser doesn’t support HTML5
Ông Durbin khen ngợi bà Phạm Đoan Trang, người được coi là một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi bật nhất ở Việt Nam. Ông nói rằng đến nay bà Trang đã phải thụ án 4 năm trong bản án 9 năm tù vì “tội danh không rõ ràng”, theo thông cáo ngày 11/12 của văn phòng Thượng nghị sĩ Durbin.
“Ngay trong năm nay, bà ấy [Phạm Đoan Trang] đã được trao Giải thưởng Tự do Sáng tác Barbey của Văn Bút Mỹ, thêm vào danh sách vốn đã rất nhiều giải thưởng mà bà nhận được từ một số chính phủ và các nhóm tự do báo chí”, ông Durbin nói.
“Vào năm 2020, ngay trước khi bị bắt, bà ấy đã viết rất cảm động: ‘Tôi không cần tự do cho riêng mình, nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn là tự do dân chủ cho Việt Nam’. Rất dũng cảm. Tôi đã thấy điều tương tự ở rất nhiều tù nhân chính trị khác trên khắp thế giới”, ông Durbin phát biểu.
Trong bài phát biểu tại Thượng viện, thượng nghị sĩ này cũng nêu bật hoàn cảnh khó khăn của các tù nhân chính trị ở 4 quốc gia gồm Việt Nam, Eritrea, Tajikistan, và A rập Xê út, và kêu gọi thả họ ngay lập tức và vô điều kiện.
“Tôi xin nhắc rằng những cá nhân dũng cảm này ở Eritrea, A rập Xê út, Tajikistan và Việt Nam, các bạn không bị lãng quên. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để đảm bảo các bạn được an toàn, được tự do, cũng như nêu tên của các bạn ra toàn thế giới”.
Tương tự, Thượng nghị sĩ Peter Welch đại diện cho bang Vermont cũng vận động trả tự do cho các tù nhân chính trị trên khắp thế giới.
Hai ông đồng thanh kêu gọi sự hợp tác lưỡng đảng để bảo đảm việc trả tự do cho các tù nhân lương tâm đang bị giam cầm chỉ vì họ bày tỏ quan điểm chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa.
“Chỉ vì các cá nhân này bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa ủng hộ dân chủ, ủng hộ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác mà bắt giữ và bỏ tù họ tùy tiện là điều thật đáng ghê tởm. Những người này bị khép vào đủ các loại cáo buộc bịa đặt và đó thực sự là việc sử dụng quyền lực của một nhà nước để đàn áp những người chỉ trích nhà nước đó”, ông Welch nhấn mạnh, theo bản ghi bài phát biểu của ông trên trang web.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị đưa ra bình luận về các phát biểu và lời kêu gọi của các thượng nghị sĩ Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), đồng thời là cộng tác viên của đài VOA, bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào năm 2019 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
“Việc bắt anh Phạm Chí Dũng vì những bài báo và các hoạt động của anh … là điều hết sức vô lý. Đó là những bài báo viết về những suy nghĩ, trăn trở của một người có tâm huyết cho đất nước, tổ quốc”, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh ở bang Illinois, Phó Chủ tịch IJAVN, chia sẻ với VOA.
Ông Phạm Chí Dũng hiện đang thụ án 15 năm tù trong khi hai thành viên khác của hội IJAVN là Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đang thụ án 11 năm tù mỗi người với cùng tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Tất cả ba ông đều bị quản chế 3 năm sau khi mãn án tù.
Cũng với tội danh như trên, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10/2020, và sau đó bị tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù giam.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã đưa ra kết luận là việc bắt giam và xét xử ông Phạm Chí Dũng, các thành viên của IJAVN và bà Phạm Đoan Trang là “tùy tiện”, và kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho họ.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm nhân quyền. Hà Nội khăng khăng rằng các quyền tự do báo chí, tự do biểu đạt được tôn trọng tại quốc gia cộng sản, nơi mà các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng có hơn 120 nhà báo, blogger đang bị giam cầm vì các bài viết của họ.
Trả lời thư chất vấn của các chuyên gia nhân quyền LHQ về việc bắt giữ tùy tiện đối với nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, chính quyền Việt Nam vào năm ngoái đưa ra quan điểm: “Phạm Thị Đoan Trang không phải là nhà báo, và đã bị xét xử vì các hoạt động bất hợp pháp nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần, chứ không phải vì thực hiện quyền tự do báo chí của mình”.