Chi tiết về thỏa thuận để' ngăn 'bờ vực tài chính'
Chi tiết về thỏa thuận để' ngăn 'bờ vực tài chính'-Ðược Thượng viện chấp thuận hồi sáng sớm thứ ba.
-Thu về 600 tỷ đôla trong vòng 10 năm qua việc đánh thuế cao hơn đối với người Mỹ giàu có hơn.
-Trì hoãn trong 2 tháng việc cắt giảm bắt buộc lên tới 24 tỷ đôla về chi phí cho quốc phòng và các chương trình quốc nội.
-Gia hạn các điều khoản trong đạo luật nông nghiệp ngăn tăng giá sữa.
-Ngăn chặn việc cắt giảm chi phí trả cho các bác sĩ điều trị người Mỹ cao niên.
-Gia hạn trợ cấp thất nghiệp thêm 1 năm cho 2 triệu người.
-Bãi bỏ khoản tăng trợ cấp chi phí sinh hoạt 900 đôla cho các đại biểu Quốc Hội.
Các thượng nghị sĩ đã dành đêm Giao thừa dương lịch để chuẩn bị biểu quyết về một dự luật là kết quả của nhiều tháng thương nghị ráo riết và đôi khi gay gắt giữa các nhà lập pháp của hai đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, và Tòa Bạch Ốc.
Trước cuộc biểu quyết, phó Tổng thống Joe Biden đã đến trụ sở Quốc Hội để họp kín với các đảng viên Dân chủ. Ông ra khỏi phòng họp với một nụ cười rạng rỡ.
Ông Biden nói: “Chúc mừng năm mới. Tôi cảm thấy rất vui về cách thức cuộc biểu quyết sẽ diễn tiến.”
Thỏa thuận giữ nguyên mức thuế liên bang hiện hành đối với những người có thu nhập dưới 450.000 đôla một năm. Tổng thống Barack Obama ban đầu đã đề nghị một ngưỡng thu nhập thấp hơn, trong khi nhiều thành viên của đảng Cộng Hòa đã lập luận chống lại mọi hình thức tăng thuế.
Thỏa thuận cũng giúp các khoản thừa kế trị giá chưa tới 5 triệu đôla không phải chịu thuế di sản, và gia hạn trợ cấp thất nghiệp thêm 1 năm. Các cắt giảm mạnh về chi tiêu liên bang một cách tự động có thể siết chặt các chương trình quốc nội và quốc phòng sẽ đuợc hoãn lại 2 tháng, để có thời giờ thương thảo thêm.
Thượng nghị sĩ Barbara Boxer của đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang California bầy tỏ lạc quan rằng bà cảm thấy rằng đó là điều tốt cho tiểu bang của bà và là điều tốt cho cả nước.
Theo bà Boxer, nếu không có thỏa thuận, Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu một cú sốc kinh tế tai hại:
Bà nói điều quan ngại chính của bà là duy trì công cuộc phục hồi kinh tế, và bà cho rằng kế hoạch này có tác dụng như thế.
Ðiều chắc chắn là nhiều thành viên đảng Dân chủ tin rằng thỏa thuận đi chưa đủ xa để tăng thu nhập cho chính phủ, và nhiều thành viên đảng Cộng hòa vẫn muốn cắt giảm công chi để giảm bớt mức thâm hụt liên bang Mỹ lên tới cả ngàn tỷ đôla.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein của đảng Dân chủ nói thỏa thuận không phải là lý tưởng, nhưng còn hơn là rơi xuống bờ vực tài chính.
Bà Feinstein nói sẽ luôn luôn có những lời than phiền mang tính đảng phái. Nhưng ít ra là đã đi đến được mức hiện tại. Ðiều đạt được là một đa số lưỡng đảng ủng hộ thỏa thuận, và không dễ gì bác bỏ được sự kiện ấy.
Liệu có được khối đa số luỡng đảng ủng hộ cho thỏa thuận tại Hạ viện hay không là điều còn phải chờ xem. Cho đến khi đó và trừ phi dự luật được cả hai viện Quốc Hội thông qua và ký thành luật, thì chế độ kiệm ước gọi là bờ vực tài chính sẽ có hiệu lực vào nửa đêm hôm nay, vẫn sẽ là luật lệ của Hoa Kỳ.