Thụy Điển đã xé bỏ hợp đồng mua bán vũ khí nhiều triệu đô la với Ả rập Xê-út trong một vụ xích mích ngoại giao phát xuất từ sự chỉ trích của Thụy Điển về thành tích nhân quyền của Ả rập Xê-út. Để đáp trả, Ả rập Xê-út đã triệu hồi đại sứ của họ ở Thụy Điển về nước. Thông tín viên Jamie Dettmer gởi về bài tường thuật từ trung tâm tin tức Trung Đông của đài VOA ở Istanbul.
Vụ xích mích giữa Stockholm và Riyadh bùng ra hôm thứ hai, khi Ả rập Xê-út ngăn không cho Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom phát biểu về quyền phụ nữ tại một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Ả Rập ở Cairo. Phái đoàn Ả rập Xê-út đã phản đối sự chỉ trích của vị nữ ngoại trưởng Thụy Điển về sự đối xử hà khắc của Riyadh với ông Raef Badawi, một blogger tranh đấu nhân quyền ở Ả rập Xê-út.
Năm 2014, ông Badawi đã bị tòa án phạt đánh 1.000 roi, được thi hành thành nhiều đợt trong vòng 20 tuần trong năm nay. Ông bị đánh 50 roi hồi tháng giêng vừa qua. Nhưng đợt đánh kế tiếp đã được hoãn lại nhiều lần, một phần là vì áp lực quốc tế.
Các vị ngoại trưởng trong khối Ả Rập đã cùng với Ả rập Xê-út bày tỏ sự bất bình đối với bà Wallstrom. Họ cho rằng sự chỉ trích của bà “Không phù hợp với thực tế là hiến pháp của vương quốc Ả rập Xê-út đặt cơ sở trên luật Sharia của đạo Hồi.”
Thông cáo của các vị ngoại trưởng nói rằng “Sharia bảo đảm nhân quyền và bảo vệ tính mạng, tài sản, danh dự và phẩm giá của người dân. Các ngoại trưởng xem phát biểu [của bà Wallstrom] là vô trách nhiệm và không thể chấp nhận.”
Vụ xích mích xảy ra trong lúc nhiều người trên thế giới chú ý nhiều hơn tới các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và tới điều mà nhiều người chỉ trích nói là vai trò của những nước này trong việc cung cấp một nền tảng tư tưởng cho những phần tử thánh chiến như những chiến binh của nhóm khủng bố có tên Nhà nước Hồi giáo.
Một tổ chức nhân quyền ở Mỹ hôm thứ tư phổ biến một phúc trình tố cáo Ả rập Xê-út cung cấp “đặc quyền đặc lợi” cho những giáo sĩ chuyên khích động thù hận đối với những tôn giáo khác, kể cả Cơ đốc giáo, Hồi giáo Shia và người Do Thái. Các tác giả của bản phúc trình nói rằng những sự khích động như vậy làm mạnh thêm cách trình bày sự việc của nhóm Nhà nước Hồi giáo và biện minh cho việc Nhà nước Hồi giáo giết hại những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số ở Syria và Iraq.
Trong phúc trình này, tổ chức Human Rights First ở New York tố cáo Riyadh cổ xúy cho “các ý thức hệ cực đoan, thông qua hệ thống giáo dục của mình và những giáo sĩ cực đoan nhận được đặc quyền đặc lợi của nhà nước.” Tổ chức này nói thêm rằng chính quyền Ả rập Xê-út “tiếp tục nhồi sọ cho giới trẻ nước này…và khuyến khích bạo động chống lại những nhóm tôn giáo khác và những người Hồi giáo Sunni không theo đúng giáo lý bảo thủ”.
Human Rights First tố cáo Ả rập Xê-út không thực hiện cam kết là sẽ loại ra khỏi sách giáo khoa những bài học có nội dung khích động thù hận đối với những tôn giáo khác. Họ nói rằng giáo trình chính thức và sách giáo khoa ở Ả rập Xê-út vẫn đi ngược với tập quán quốc tế khi tiếp tục cho rằng những người đồng tính và những người bỏ đạo Hồi để theo đạo khác nên bị xử tử. Sách vở của Ả rập Xê-út mô tả người Do Thái là những người “có máu gian manh” và cho rằng người Cơ đốc giáo đang thực hiện một cuộc thập tự chinh chống lại đạo Hồi.
Năm 2008, các giới chức chính phủ Mỹ đã viện dẫn những sự cam kết đó của Ả rập Xê-út để cho phép vương quốc này được miễn bị trừng phạt thương mại theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2006.
Ảnh hưởng của giáo dục Ả rập Xê-út lan rộng ra khỏi biên cương của nước này. Những sách giáo khoa tôn giáo của giáo phái Wahahabi của Ả rập Xê-út thường được dùng tại những cơ sở giáo dục mà vương quốc này tài trợ trên khắp thế giới: khoảng 210 trung tâm Hồi giáo, 1.500 đền thờ, 202 trường đại học và gần 2.000 trường đạo Hồi.
Human Rights First nêu lên sự kiện là nhiều giáo sĩ cực đoan nhận được đặc quyền đặc lợi của nhà nước, kể cả lương bổng do chính phủ cấp phát, những cơ hội thuyết giảng được chính quyền hỗ trợ và được xuất hiện trên các chương trình truyền hình do nhà nước kiểm soát.
Phúc trình của Human Rights First cho rằng “Các giáo sĩ thuộc phe cứng rắn được nhà nước dành cho toàn quyền để rao giảng cho sự thù hận đối với những giáo phái và những tôn giáo khác. Sự thù hận đó thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan giáo phái của người Hồi giáo Sunni và biện minh cho những hành vi khủng bố của Nhà nước Hồi giáo, al-Qaida và những tổ chức khủng bố khác.”
Tác giả chính của bản phúc trình là ông David Weinberg, cựu nhân viên quốc hội Mỹ. Ông Weinberg cảnh báo “cộng đồng quốc tế đang đối mặt với mối rủi ro là rốt cuộc có thể thắng trong trận chiến hiện nay chống lại Nhà nước Hồi giáo, nhưng bị thua trong cuộc chiến rộng lớn hơn chống lại chủ nghĩa cực đoan quá khích nếu Washington và các nước đồng minh tiếp tục làm ngơ” đối với việc Ả rập Xê-út chà đạp nhân quyền và cổ xúy cho sự bất khoan dung về tôn giáo.
Vụ xích mích với Ả rập Xê-út đã làm bùng ra một cuộc tranh luận kịch liệt ở Thụy Điển, là nước đã ký biên bản với Ả rập Xê-út vào năm 2005 về các chương trình hợp tác tình báo, theo dõi và sản xuất vũ khí. Ả rập Xê-út là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Sau khi vụ xích mích bắt đầu, các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Xã hội đã yêu cầu Thủ tướng Stefan Lofven không gia hạn thỏa thuận đó, nhưng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng làm như vậy sẽ gây thương tổn cho uy tín của Thụy Điển trên thương trường quốc tế.
Phó Thủ tướng Asa Romson, thuộc Đảng Xanh, nói với báo chí ở Stockholm rằng việc hủy bỏ hợp đồng vũ khí hôm thứ ba là “một thắng lợi của một chính sách ngoại giao rõ ràng, đặt cơ sở trên sự tôn trọng nhân quyền”.