30 Tháng Tư: Chương trình định cư người tị nạn lớn nhất trong lịch sử Canada

Tranh màu nước về người tị nạn Việt Nam được trưng bày tại cuộc triễn lãm của Tiffany Chung tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Smithsonium ở Washington D.C.

30 Tháng Tư: Chương trình định cư người tị nạn lớn nhất trong lịch sử Canada

Phỏng vấn đồng tác giả cuốn “Running on Empty”

30/4/1975, Saigon sụp đổ, miền Nam Việt Nam bị xóa sổ trên bản đồ thế giới và đất nước hình cong như chữ S thống nhất dưới cùng một lá cờ. Tuy nhiên những chính sách của “bên thắng cuộc” sau ngày 30 tháng Tư, như cải tạo, đi kinh tế mới, đánh tư sản, đổi tiền…vv…, đã khiến một bộ phận đông đảo dân miền Nam – thành phần ‘ngụy’, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Bất chấp hiểm nguy, họ liều mình bỏ nước ra đi trên những chiếc thuyền mong manh, gây ra một cuộc khủng hoảng tị nạn mà những thảm cảnh đã đánh động lương tâm của thế giới. Để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn, các nước Tây phương - trong đó có Canada, đã mở rộng vòng tay đón nhận người tị nạn Việt Nam. Đặc điểm của chương trình tiếp nhận người tị nạn của Canada là sự tham gia của những người dân thường trong chương trình “tư nhân bảo trợ cho người tị nạn”. Chương trình định cư có một không hai này là đề tài cuốn sách “Running on Empty”, do 4 tác giả viết và được giới thiệu lại mới đây tại một buổi sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Canada. Hoài Hương phỏng vấn tác giả chính của cuốn sách, ông Michael J. Molloy, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử Di dân Canada, từng là người điều hợp chương trình cứu vớt thuyền nhân Đông Dương, và Giáo sư/Dịch giả Trần Lương Ngọc, cựu công chức cấp cao của chính quyền tỉnh bang Ontario, từng là Chuyên viên Phát Triển Kinh Tế, công tác xã hội và phát triển cộng đồng, có trách nhiệm tổ chức và tiếp nhận người mới định cư.

Cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và có lẽ của thế giới, diễn ra sau biến cố 30/4/1975, khi dân chúng miền Nam Việt Nam lũ lượt ‘bỏ nước ra đi tìm tự do’, trong một cuộc “biểu quyết bằng chân”, gây ra làn sóng tị nạn ồ ạt tràn sang các nước láng giềng Đông Nam Á.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan hỗ trợ người tị nạn, Canada đã phát động một chương trình tiếp nhận người tị nạn lớn nhất trong lịch sử nước này, góp phần biến đổi Canada thành một xã hội đa văn hóa, cởi mở.

Người điều hợp chương trình này vào thời kỳ cao điểm của nó –từ 1979 tới 1980, là ông Michael J. Molloy, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử Di dân Canada, nguyên Đại sứ Canada tại Jordan.

Trước cuộc khủng hoảng tị nạn, các tổ chức xã hội công dân Canada đã hành động.

Đô trưởng Ottawa Marion Dewar thiết lập ‘Dự án 4000’, tuyên bố thủ đô Ottawa sẽ nhận 4000 người tị nạn. Một nhóm khác thành lập ‘Operation Lifeline’, khuyến khích công dân đứng ra bảo trợ người tị nạn. Lời kêu gọi đó đã được hưởng ứng nồng nhiệt, quá sự mong đợi.

Tháng 7 cùng năm, chính phủ Canada quyết định nâng số người tị nạn được nhận định cư ở Canada lên tới 50.000 người. Phân nửa do tư nhân bảo trợ, và phần còn lại do chính phủ bảo trợ, đây là kết quả của chiến dịch vận động và những buổi họp về thảm trạng thuyền nhân của Bộ trưởng Ngoại giao Flora McDonald và Bộ trưởng Di Trú Ron Aikey, dưới quyền thủ tướng Joe Clark lúc bấy giờ.

Ông Michael Molloy nói:

“Lúc đó không ai biết phản ứng của công chúng sẽ ra sao, nhưng ngay trước khi chương trình khởi sự, đã có 1.300 người được bảo trợ. Tới tháng 8, 10.000 người được nhận bảo trợ, rồi tới tháng 10, thì số người được bảo trợ vượt quá con số 21.000 người mà chính phủ yêu cầu. Có thể nói sự hưởng ứng của công chúng vượt xa sự mong đợi của tất cả mọi người. Rốt cuộc, trên 7000 nhóm tư nhân nhận bảo trợ hơn 40.000 người tị nạn.”

Ông Molloy kể lại rằng chương trình tiếp nhận người tị nạn được nhân rộng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu cấp bách lúc bấy giờ:

“Tới cuối năm 1975, chúng tôi có 7000 người Việt tị nạn, và trong 3 năm tiếp theo, chúng tôi nhận thêm 2000 người. Thế rồi vào tháng 7/1979, trước cuộc khủng hoảng tị nạn ngày càng cấp bách, chính phủ Canada nhận thức rằng họ cần đóng góp nhiều hơn nên ra chỉ tiêu nhận 50.000 người, đây là chương trình tiếp nhận tị nạn lớn nhất mà Canada từng thực hiện trong lịch sử.”

Ông Molloy nhắc lại giai đoạn lịch sử này:

“Chỉ trong tháng 6 năm 1979, 60.000 người tị nạn, đa số là thuyền nhân, tới bến bờ các nước Đông Nam Á. Chúng ta biết là 1/3 những người ra đi đã không đến nơi vì lý do này hay lý do khác, lúc đó vấn đề này gây rất nhiều quan tâm.”

Nhìn lại, ông nói sự hội tụ của nhiều yếu tố thuận lợi cùng lúc đã dẫn đến quyết định của Canada và nhiều nước Tây phương, mở cửa tiếp nhận người tị nạn đến từ Việt Nam và các nước lân cận.

Hơn 4 thập niên sau, ông Molloy và các tác giả khác cho ra đời cuốn Running on Empty. Ngoài ông, là tác giả chính, còn có 3 tác giả khác đều là cựu nhân viên ngoại giao /di trú: Peter Duschinsky, Kurt Jensen, và ông Robert Shalka, người từng được phái sang Thái Lan để thiết lập một chương trình cho người tị nạn từ Thái Lan và Lào.

Ông Molloy cho biết lý do:

“Chúng tôi muốn viết về chuyện này 40 năm sau bởi vì chúng tôi muốn nêu bật những thách thức trong việc tới các trại tị nạn trên khắp Đông Nam Á –có tới 70 trại rải rác tại 9 nước khác nhau– nhiều nơi chỉ được tiếp cận bằng thuyền hoặc bằng trực thăng, để tìm rồi đưa từ 50.000 tới 60.000 sang Canada định cư.”

Xuất bản năm 2017, Running on Empty lại ‘ra mắt’ cộng đồng người Việt ở Canada mới đây. Được mời phát biểu trong buổi giới thiệu sách có Giáo sư/Dịch giả Trần Lương Ngọc, từng là công chức cấp cao của chính quyền tỉnh bang Ontario, và là Chuyên viên Phát Triển Kinh Tế, Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng, có trách nhiệm tổ chức và tiếp nhận người mới định cư.

Vì sao một đất nước tương đối ít dân như Canada lại thực hiện một chương trình nhận tị nạn quy mô đến dường đó?

Giáo sư Trần Lương Ngọc nói:

“Tôi nghĩ quan trọng nhất là bởi vì biến cố 30 Tháng Tư năm 1975 và những hình ảnh của các cuộc di tản nó gây ấn tượng rất mạnh, người dân Canada vốn có tinh thần nhân đạo và cảm thông cao cho nên họ đã có những phản ứng rất là mạnh trước tình trạng bi đát của những người tị nạn.”

Ông Molloy nói về thách thức lớn nhất mà những người thực hiện chương trình tiếp cư đầy cao vọng đó phải đối mặt:

“Chính phủ cho chúng tôi 18 tháng để hoàn tất nhiệm vụ. Điều đầu tiên là phải tìm đủ người để đưa tới hiện trường. Kế tiếp là thiết kế một hệ thống kết nối người bảo trợ với người tị nạn, ngay khi người tị nạn tới Edmonton hay là Montreal, là nơi chúng tôi đặt các trung tâm tiếp nhận. Điều này phức tạp hơn chúng ta tưởng, nên nhớ lúc đó là năm 1979, chưa có máy tính, chưa có laptop hay điện thoại thông minh, tất cả đều phải được hoàn tất bằng bút và giấy… Thiết lập hệ thống bảo trợ là cả một thách thức lớn, mà chúng tôi lại phải làm một cách cấp kỳ.”

Cuối cùng, Canada thuê bao 181 chuyến bay, đa số là Boeing 747 để chuyên chở người tị nạn. Ông Molloy cho biết thêm:

“Rốt cuộc, chúng tôi chi ra 160 triệu đôla – vượt xa kinh phí của bất cứ chương trình giúp người tị nạn nào khác trong lịch sử, nhưng nhờ được các nhóm bảo trợ, rốt cuộc với số tiền 160 triệu, trên thực tế chúng tôi có lẽ đã cung cấp các dịch vụ trị giá tổng cộng lên tới nửa tỉ đôla.”

Nhận định về sự thành công của chương trình tiếp nhận di dân của Canada, Giáo sư Trần Lương Ngọc cho rằng đó là nhờ sáng kiến khuyến khích sự tham gia của các đoàn thể, và người dân thường Canada.

Giáo sư Trần Lương Ngọc nói:

“Cái chương trình gọi là bảo trợ tị nạn qua các đoàn thể tư nhân là một sáng kiến rất là độc đáo trong chương trình định cư và nhập cư của Canada. Qua chương trình này, các gia đình và đoàn thể họp nhau lại, rồi họ bảo lãnh cho một người hay môt gia đình tị nạn sang sinh sống ở Canada ít ra là 1 năm, để họ có thời gian định cư, kiếm việc làm và hội nhập vào xã hội. Nhờ sáng kiến đó, cho nên nỗ lực tiếp nhận người tị nạn trở thành nỗ lực của cả một xã hội chứ không phải là của một cơ quan chính quyền. Đó là điểm son rất là độc đáo của chương trình nhập cư này.”

Thành tích đó đã được Liên Hiệp Quốc vinh danh khi trao Huân chương Nansen cho nhân dân Canada, lần đầu tiên huân chương cao quý này được trao cho nhân dân của cả một nước, thay vì cho một cá nhân hay đoàn thể.

Ông Trần Lương Ngọc giải thích:

“Huân chương Nansen Medal dành cho các tổ chức và cá nhân có công lớn trong các chương trình tiếp nhận tị nạn và định cư. Thế nhưng mà đặc biệt là sau sự thành công của chương trình bảo vệ tị nạn qua các đoàn thể tư nhân, thì Liên Hiệp Quốc đã tặng huân chương đó cho nhân dân Canada nói chung. Đó là vinh dự duy nhất từ trước đến nay mà cho tới ngày nay chưa bao giờ giải thưởng đó được trao cho cả một dân tộc.”

Như tác giả Molloy, Giáo sư Trần Lương Ngọc cho rằng những “anh hùng” thực thụ trong chương trình tiếp nhận tị nạn của Canada cách đây 4 thập niên là vài chục nhân viên di trú của nước này đã hoàn thành nhiệm vụ trong các điều kiện vô cùng khó khăn tại 70 trại tị nạn ở nhiều vùng hẻo lánh rải rác khắp Đông Nam Á:

“Họ làm việc rất là tận tâm và sinh hoạt trong các điều kiện rất là khó khăn, so với tiêu chuẩn của Canada. Hàng chục người đã trục tiếp đến và sống trong các trại tị nạn trong thời gian rất dài, nhiều khi phải ăn mì khô và ngủ tại chỗ làm việc, trong các điều kiện không khác với hoàn cảnh của người tị nạn.”

Phần Hai của cuốn sách ghi lại những kỷ niệm sống động về cuộc sống trong các trại tị nạn từ góc nhìn của các viên chức trực tiếp làm việc trong các trại tỵ nạn và tiếp cư. Giáo sư Ngọc nói “Độc giả, đặc biệt là những người tị nạn, sẽ tìm lại được những kỷ niệm đầy cảm xúc về hành trình gian nan của họ để tìm tự do và lập lại cuộc sống” tại quê hương thứ hai.

Cuốn“Running on Empty: Canada and the Indochinese Refugees, 1975–1980”, 582 trang, là do Nhà xuất bản Đại học McGill-Queen, phát hành năm 2017. Các tác giả là Michael J. Molloy, Peter Duschinsky, Kurt F. Jensen và Robert Shalka. Sách có thể được mua trên Amazon.com.

https://www.amazon.ca/Running-Empty-Indochinese-Refugees-1975-1980/dp/0773548807