Các hãng thông tấn của Mỹ, Anh, Pháp cho đến các tờ báo lớn trên thế giới đều đưa tin về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và nhấn mạnh đến vai trò của ông trong việc truyền bá chánh niệm đến phương Tây cũng như vai trò phản chiến của ông trong cuộc chiến Việt Nam – điều khiến ông phải trả giá là bị cả hai chính quyền của Việt Nam Cộng hòa và Cộng sản cấm cửa.
Trong thông điệp chia buồn, Đức Đạt Lai Lạt Ma viết: “Tôi đau buồn biết tin người bạn và là người huynh đệ trong Chánh pháp của tôi – Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Tôi gửi lời chia buồn đến các môn đệ của Ngài ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Bằng thái độ phản đối ôn hòa đối với cuộc chiến Việt Nam, sự ủng hộ đối với Martin Luther King và trên hết là tâm huyết của Ngài khi truyền đạt đến mọi người không chỉ làm sao mà chánh niệm và từ bi giúp đem đến an lạc mà còn làm sao mà mỗi cá nhân nuôi dưỡng sự an lạc thân tâm có thể đóng góp cho nền hòa bình thật sự trên thế giới, Hòa thượng đã sống một cuộc đời thật sự có ý nghĩa.”
Trang web của Đại sứ Quán Mỹ tại Hà Nội đăng thông cáo của bà Marie Damour, Đại biện lâm thời, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thông cáo viết: “Trong hơn 60 năm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người thầy, nhà lãnh đạo tinh thần được yêu mến và là người tranh đấu không mệt mỏi cho hòa bình của đất nước ông và khắp thế giới. Những bài giảng của ông, nhất là đưa chánh niệm vào cuộc sống thường nhật, đã làm giàu thêm cuộc sống của vô số người dân Mỹ.
Nhiều quan chức Mỹ, trong đó có Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, đã vinh dự được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lòng từ bi và tâm huyết của ông về đa nguyên tôn giáo đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những người từng gặp ông. Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được nhớ đến như là một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Bằng những lời dạy và các tác phẩm thơ văn, di sản của ông sẽ sống mãi đến các thế hệ mai sau.”
Thượng nghị sỹ Mỹ Mazie Hirono, đại diện bang Hawaii, viết trên Twitter: Tôi có vinh dự được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Việt Nam hồi năm 2019. Những lời giảng của Ngài về Từ bi và Chánh niệm sẽ tiếp tục soi sáng thế giới. Mong Ngài yên nghỉ.
Tài khoản Twitter của Trung tâm Martin Luther King Junior đăng tấm ảnh chụp nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng của Mỹ ngồi cạnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh với dòng chữ: “Chúng tôi tôn vinh cuộc đời và ảnh hưởng nhân bản, toàn cầu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một đồng minh của Mục sư King, người qua đời hôm thứ Bảy. Đây là tấm ảnh chụp hai người tại một cuộc họp báo ở Chicago vào năm 1966. Martin Luther King đã đề cử Thiền sư cho giải Nobel Hòa bình năm sau đó.”
Con gái Martin Luther King, bà Bernice King cũng đăng trên Twitter tấm ảnh cha bà chụp chung với Thiền sư Thích Nhất Hạnh và viết: “Cha tôi cùng với người bạn và đồng minh của ông ấy, Thích Nhất Hạnh, người qua đời trong tuần này. Tôi tôn vinh và vinh danh cuộc đời và ảnh hưởng toàn cầu vì hòa bình của ông.”
Hãng tin Mỹ AP có một bản tin dài điểm lại thân thế và sự nghiệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, gọi ông là ‘thiền sư được tôn kính vốn đã giúp khai phá khái niệm Chánh niệm ở phương Tây và Phật giáo dấn thân ở phương Đông’.
AP dẫn lại lời trần tình của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho Mục sư Martin Luther King về các vụ tự thiêu của tăng ni Phật tử miền Nam chống chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm: “Tôi đã nói rằng đó không phải là tự sát, bởi vì trong hoàn cảnh khó khăn như ở Việt Nam, rất khó để cất lên tiếng nói. Do đó, đôi khi chúng tôi phải tự thiêu để người ta lắng nghe tiếng nói của mình cho nên làm như vậy là hành động bi mẫn, hành động yêu thương chứ không phải hành động tuyệt vọng.”
Hãng tin này dẫn lời một học giả Thái Lan có tên là Sulak Sivaraksa nhận xét rằng ở xã hội Việt Nam trong những năm 1950 và 1960 ‘hỗn loạn và khủng hoảng’ cho nên ‘Thiền sư ở trong hoàn cảnh khó khăn – ma chướng một bên và biển sâu thăm thẳm một bên – Cộng sản một bên, CIA một bên. Trong hoàn cảnh đó, Ngài đã rất chân thật với tư cách một nhà hoạt động, một hòa thượng tham thiền, một nhà thơ, và một ngòi bút sáng rõ’.
“Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Phật giáo có nghĩa là tỉnh thức – ý thức được những gì xảy ra trong thân, tâm và thế giới xung quanh. Nếu anh tỉnh thức, anh không thể làm gì khác hơn là hành động một cách đầy tình thương để giúp xoa dịu nỗi đau mà anh nhìn thấy xung quanh,” Sulak Sivaraksa nói thêm.
Hãng tin này lưu ý rằng cả chính quyền Bắc Việt, từ sau 1975, và Việt Nam Cộng hòa, vào năm 1966, đều cấm Thiền sư về nước, khiến ông trở thành ‘chim mất tổ’.
Nhắc lại hoạt động phản chiến của Thiền sư, hãng tin Anh Reuters dẫn lại những gì ông viết vào năm 1975: “Tôi đã nhìn thấy quân cộng sản và quân chống cộng bắn giết, tàn hại lẫn nhau chỉ vì bên nào cũng tin rằng mình nắm chân lý.”
“Tiếng nói của tôi đã bị chìm trong tiếng bom đạn, súng cối và tiếng la hét.”
Reuters dẫn lời hòa thượng người Hàn Quốc Haenim Sunim, người từng làm phiên dịch cho Thiền sư khi ông đến thăm Hàn Quốc, mô tả Thiền sư là người ‘trầm tĩnh, tập trung và bác ái’.
“Ngài giống như một cây thông lớn để che chở cho nhiều người dưới những tán cây với những bài giảng vi diệu của Ngài về Chánh niệm và Từ bi. Ngài là một trong những người đáng kinh ngạc nhất mà tôi đã từng gặp.”
Theo Reuters thì trong bối cảnh thế giới đang chao đảo vì đại dịch COVID-19, quan niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Tỉnh thức và Thiền định có thêm sức hút mới. Hãng tin này dẫn lại câu nói của Thiền sư: “Nếu chúng ta tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn, chúng ta mới có thể chịu được những thống khổ ngày nay.”
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại rằng chính vì phản chiến mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải sống lưu vong ở Pháp gần 40 năm. Đến khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, ông đã giúp đỡ những đồng bào ông vượt biển tìm đường tị nạn. “Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cứu được trên 800 thuyền nhân sau khi ông thuê hai con tàu lớn,” AFP viết.
Hành động đó nằm trong khái niệm ‘Phật giáo dấn thân’ mà ông sáng tạo ra, bởi vì ông tin rằng ‘ngồi trên bồ đoàn để thiền định không là không đủ’, và khái niệm này ‘đã trở thành hòn đá tảng của nhiều trường phái Phật giáo hiện đại’.
Hãng tin này dẫn lời Giáo sư Anjali Vats giảng dạy tại Khoa Luật, Đại học Pittsburgh, Hoa Kỳ, rằng Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời bà và giúp bà ‘trở thành được như ngày nay’.
Trong bản tin về sự viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, New York Times đã mô tả ông là ‘một trong những thiền sư có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, truyền bá thông điệp về chánh niệm, từ bi và bất bạo động’; ‘cây bút, nhà thơ sung sức, nhà giáo và nhà hoạt động hòa bình’.
Tờ báo này dẫn lại những gì ông từng viết: “Sinh và diệt chỉ là những khái niệm. Chúng không thực sự tồn tại. Đức Phật đã dạy rằng không có sinh, không có diệt, không có đến, không có đi… không có bản ngã thường trụ - đó là do chúng ta nghĩ như vậy mà thôi. Nếu hiểu như vậy thì chúng ta không còn bị sợ hãi nữa và có thể tận hưởng cuộc sống.”
Theo New York Times, sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục thái độ phản chiến. Trong một bài giảng ở Hà Nội hồi năm 2008, ông nói về cuộc chiến Iraq như sau: “Chúng ta biết rằng máy bay, súng đạn không thể loại bỏ được những suy nghĩ sai lầm. Chỉ có ái ngữ và lắng nghe thấu cảm mới có thể giúp con người sửa chữa sai lầm. Nhưng các nhà lãnh đạo không được học như vậy, họ chỉ dựa vào duy nhất sức mạnh quân sự để diệt trừ khủng bố.”
Tờ báo này nhắc lại hồi năm 2013 ông được hãng khổng lồ công nghệ Google mời đến trụ sở của họ ở Thung lũng Silicon để thuyết giảng. Khi đó, ông đã đem thông điệp về suy ngẫm tĩnh lặng ra nơi tuyến đầu của kỷ nguyên công nghệ.
“Chúng ta có cảm giác rằng chúng ta bị ngộp với thông tin,” ông nói với các nhân viên Google. “Chúng ta không cần nhiều thông tin như vậy.”
Và ông nói: “Đừng có tìm kiếm giải pháp bằng cái đầu đang suy nghĩ. Không suy nghĩ mới chính là chìa khóa thành công. Đó là lý do tại sao những lúc mà chúng ta không làm việc lại là lúc làm việc rất hiệu quả nếu chúng ta biết cách sống trong từng khoảnh khắc.”
Hãng truyền thông Anh BBC nói rằng Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường được gọi là ‘người cha của phép chánh niệm’.
BBC lưu ý ông đã viết trên 100 cuốn sách được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và cuốn sách mới nhất của ông được xuất bản hồi tháng 10 năm 2021.
Một trong những tờ nhật báo hàng đầu của Pháp là Le Figaro gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là ‘một trong những nhà sư có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới’. Tờ báo này cho rằng chính nhờ có 40 năm phải sống lưu vong mà ông đã có thể phổ biến khái niệm ‘Chánh niệm’ đến với thế giới phương Tây và nó đã có sức hút đối với những ngôi sao như Oprah Winfrey hay Gwyneth Paltrow và có sức ảnh hưởng đối với nhiều ông chủ các hãng công nghệ ở Silicon Valley.
Đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI có bài tường thuật của thông tín viên Frédéric Noir từ thành phố Hồ Chí Minh với tựa đề ‘Việt Nam khóc thương sự ra đi của Hòa thượng có tầm ảnh hưởng Thích Nhất Hạnh’.
Đài này đã phỏng vấn một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh và một người dân ở Hà Nội. Hai người này đều bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi của Thiền sư, cho rằng ông đại diện cho những giá trị phổ quá như sự khiêm nhường, sự rộng lượng và lòng thấu cảm và rằng nhờ học theo ông mà họ có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc.