Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa loan báo đã chỉ đạo những cơ quan hữu trách của bộ... “khẩn trương tổng hợp và báo cáo các thông tin, tài liệu liên quan về các chuyến bay đưa công dân về nước”, sau khi Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT... “phục vụ công tác điều tra” (1).
Nói cách khác, sau khi Bộ Ngoại giao bị đẩy vào thế phải phân bua... “sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, theo đúng quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” vì bốn viên chức lãnh đạo Cục Lãnh sự bị khởi tố do “nhận hối lộ”(2), giờ tới lượt Bộ GTVT ấp úng... rằng chỉ thực hiện... “vai trò phối hợp, chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam triển khai cho phép bay, kế hoạch phục vụ các chuyến bay theo kế hoạch giải cứu công dân được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phê duyệt trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành liên quan”.
Thông cáo mà Bộ GTVT gửi cho các cơ quan truyền thông sau khi Cơ quan An ninh điều tra dùng các cơ quan truyền thông loan truyền Bộ GTVT là đối tượng điều tra, cho thấy, Bộ GTVT đang... kêu oan: “Bộ GTVT không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo”... và trong việc tổ chức đưa công dân Việt Nam về nước giữa đại dịch, bộ này chỉ... “phối hợp rất tích cực với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng trong công tác bảo hộ công dân”!
Về lý, Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT nói chung không thể vô can trong scandal “bay giải cứu” vốn đã lùm xùm suốt từ cuối 2020 đến đầu 2022. Dù muốn hay không, chuyện Bộ Công an khởi tố vụ án “nhận hối lộ” xảy ra ở Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, dính dáng đến việc điều động các phương tiện vận tải hàng không thuộc Bộ GTVT, vẫn đặt các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN đang lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ GTVT vào... “tình thế nguy hiểm” đến... “sinh mạng chính trị” của họ. Ít nhất cũng là trách nhiệm liên đới mà “người đứng đầu” không thể thoái thác.
Tương tự, các Ủy viên BCH TƯ đảng đang hay từng lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Quốc phòng,... cũng trong... “tình thế nguy hiểm” đến... “sinh mạng chính trị” y hệt như vậy khi Bộ Công an khởi tố rồi tiến hành điều tra vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á và một số CDC, song chưa hề cho thấy muốn rớ tới những cơ quan và cá nhân giúp Công ty Việt Á gây hậu quả đặc biệt nghiệm trọng (đề ra chủ trương, hỗ trợ chi phí nghiên cứu, lập liên doanh nghiên cứu,...).
Nhìn một cách tổng quát, rõ ràng, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an – nhân vật có quyền quyết định mở rộng điều tra những vụ án vừa đề cập đến mức nào - đang nắm trong tay... “sinh mạng chính trị” nhiều đồng liêu, đồng đảng cũng như những nhóm có quan hệ mật thiết tới những đồng liêu, đồng đảng này. Cơ quan An ninh điều tra thuộc quyền ông Tô Lâm có làm rõ những dấu hiệu vốn đã rất rõ về sự dính líu tới nhiều nhân vật cao cấp hơn những cá nhân đã bị tống giam hay không dường như không phụ thuộc vào khả năng điều tra mà phụ thuộc vào ý chí chủ quan của ông Tô Lâm. Nhận xét này có võ đoán?
***
“Sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, theo đúng quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” không phải là sản phẩm do Bộ Ngoại giao mới... sáng tác. Đó là cam kết mà gần đây, những viên chức đứng đầu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thường... đơn ca, đôi khi... đồng ca. Tuy nhiên... ca từ có phản ánh đúng thực tế hay không lại là chuyện khác. Nếu ông Tô Lâm thật sự muốn xem xét, xử lý nghiêm minh những cá nhân phải chịu cả trách nhiệm trực tiếp lẫn gián tiếp như bài ca ấy, ông không thể bỏ qua chính ông...
Ai cũng biết, lực lượng an ninh nhân dân của Bộ Công an có mặt ở khắp mọi nơi, nếu tính theo tỉ lệ, chắc chắn nhân sự của lực lượng này trong các cơ quan đại diện chính quyền Việt Nam bên ngoài Việt Nam (cơ quan ngoại giao, đặc tình) không nhỏ (muốn biết nhân sự của lực lượng an ninh nhân dân đa dạng cỡ nào, khả năng chi phối hoạt động của các cơ quan ngoại giao ra sao, cứ tra cứu những thông tin mà các cơ quan điều tra của một số quốc gia châu Âu công bố sau khi xảy ra scandal bắt cóc Trịnh Xuân Thanh), thế thì tại sao Bộ Công an không hành động từ lúc đồng bào bị kẹt ở nước ngoài rên xiết?
Liệu Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an có... yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an... “khẩn trương tổng hợp và báo cáo các thông tin, tài liệu liên quan về các chuyến bay đưa công dân về nước” mà lực lượng an ninh nhân dân của Bộ Công an ghi nhận từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2022 hay không? Chắc chắn là không! Mà không thì làm sao có thể xác định cả hiệu quả hoạt động lẫn trách nhiệm của lực lượng an ninh nhân dân cũng như lãnh đạo Bộ Công an trong thu thập, xử lý những thông tin không chỉ vi phạm pháp luật mà còn khiến nhân dân suy giảm niềm tin, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng?
***
Vì sao công an... làm thinh suốt từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2022 khi “bay giải cứu” đã trở thành vấn nạn mà nhân dân, đặc biệt là những đồng bào bị kẹt ở ngoại quốc liên tục kêu gào xin... làm rõ? Vì sao giữa năm ngoái đã có vô số bằng chứng cho thấy “thần tốc xét nghiệm trên diện rộng” có gian ý, bị lợi dụng mà Bộ Công an “án binh bất động”?
“Giá” của ông Tô Lâm từng giảm nhiều lần ít nhất vì liên đới trách nhiệm trong nhiều scandal (vụ công ty bình phong của Bộ Công an tổ chức đánh bạc online, vụ xác định tài liệu Mobifone mua cổ phần của AVG là “Mật”, vụ tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức, vụ tấn công vào Đồng Tâm – Mỹ Đức,...),...
“Giá” của ông Tô Lâm rớt xuống tận đáy với chuyện thưởng thức “bò dát vàng”. Sau scandal “bò dát vàng” xảy ra hồi đầu tháng 11/2021, lúc sự căm phẫn và khinh bỉ của dân chúng với cá nhân ông Tô Lâm nói riêng và đảng, nhà nước nói chung dâng cao, hạ tuần tháng 11/2021, một vài Ủy viên Bộ Chính trị đột nhiên tuyên bố khơi khơi: Nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. Đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức đảng và cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ (4).
Nửa tháng sau (trung tuần tháng 12/2021), tướng Tô Ân Xô - bạn đồng bàn cùng thưởng thức “bò dát vàng” với ông Tô Lâm – công bố các quyết định biến Công ty Việt Á thành một scandal, cũng như các thông tin, biến nhiều đồng liêu, đồng đảng thành... tội phạm dự bị. Thêm một tháng nữa, đột nhiên “bay giải cứu” trở thành đối tượng điều tra. Dẫu hai cuộc điều tra này cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thối rữa từ gốc đến ngọn nhưng vẫn khiến vai trò, vị trí của ông Tô Lâm cả trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn trong mắt công chúng khác hẳn trước đó một tháng.
Ông Phạm Minh Chính - cũng là Ủy viên Bộ Chính trị như ông Tô Lâm nhưng là Thủ tướng, thượng cấp của Bộ trưởng Công an – nhân vật về lý không thể thoái thác trách nhiệm trong cả hai scandal (“Việt Á” và “bay giải cứu”) rất vui vẻ... đứng sang một bên làm... “quan sát viên”, vừa biểu dương lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố, điều tra cả scandal Việt Á (5), lẫn scandal “bay giải cứu” (6), vừa nhắc ông Tô Lâm “khẩn trương điều tra để đưa ra xét xử các vụ án này bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Gió đã đổi chiểu, ông Tô Lâm đang... lên giá!
Chú thích