Chính phủ Việt Nam vừa gửi Công điện truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu “chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất” (Công điện số 304/CĐ-TTg) vì... “vi phạm pháp luật, nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro” (1).
Theo công điện vừa kể thì Bộ công an, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Thông tin Truyền thông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UB CKNN) phải “khẩn trương điều tra”, “gia tăng rà soát, thanh tra, kiểm tra, giám sát” việc “phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc sử dụng tiền thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất”, đồng thời phải “xây dựng các kịch bản ứng phó”để “ổn định thị trường và ổn định tâm lý nhà đầu tư”.
Nhìn một cách tổng quát, Công điện số 304/CĐ-TTg chẳng khác gì dự báo về tình huống khẩn cấp đã cần kề, đe dọa sự sụp đổ của thị trường tài chính và khiến kinh tế vĩ mô rơi vào bất ổn...
***
Tuy đã có thêm rất nhiều thông tin, nhận định nhằm lý giải về việc anh em ông Trịnh Văn Quyết (Tập đoàn FLC), cha con ông Đỗ Anh Dũng (Tập đoàn Tân Hoàng Minh),... vừa bị tống giam nhưng vì sao ông Quyết, ông Dũng - những nhân vật mà sự nghiệp kinh doanh trong quá khứ từng tạo ra đủ thứ điều tiếng, hoạt động kinh doanh từng có không ít dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng luôn luôn vô sự đến mức thiên hạ buộc phải tin rằng đó là những “doanh nhân”... “bất khả xâm phạm”, nay đột nhiên lại... “lâm nạn”?
Vì sao năm 2017, ông Quyết cũng lẳng lặng bán ra 57 triệu cổ phiếu và ung dung bỏ vào tài khoản khoảng 400 tỉ. Vào thời điểm đó, tuy VAFI (Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính) phản ứng dữ dội và tuyên bố sẽ “theo đuổi đến cùng” việc đòi các cơ quan hữu trách xử lý ông Quyết để bảo đảm thị trường tài chính Việt Nam phát triển lành mạnh, có thể hội nhập với thị trường tài chính quốc tế (2) nhưng cuối cùng, ông Quyết chỉ bị phạt... 65 triệu đồng (3) mà lần này các cơ quan hữu trách lại xuống tay... nặng như thế?
UBCK NN vừa tuyên bố hủy quyết định đã ban hành hồi tháng 1/2022, phạt ông Quyết 1,5 tỉ đồng vì “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu của FLC như năm 2017 (4). So với khoản tiền phạt 65 triệu đồng hồi 2017 thì rõ ràng khoản tiền phạt 1,5 tỉ hồi tháng 1/2022 là rất nặng nhưng sau đó các cơ quan hữu trách còn muốn xử lý... nặng hơn: Về nguyên tắc, không thể xử lý một vi phạm hai lần nên hủy quyết định xử phạt hành chính (phạt tiền) chính là mở đường để hệ thống tư pháp truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Quyết.
Tương tự, Tân Hoàng Minh tự phát hành trái phiếu từ lâu. Vì sao các doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh thua lỗ và liên tục tự phát hành trái phiếu để kiếm tiền mà đến bây giờ loại hành vi này mới bị xem là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (5)?
Ngoài FLC, Tân Hoàng Minh,... Tập đoàn Vingroup cũng vừa gặp trục trặc chưa từng có từ phía các cơ quan hữu trách: Cổ phiếu bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào Danh sách 66 doanh nghiệp không đủ điều kiện ký quỹ trong quý này do thua lỗ (6)?.. So với FLC và Tân Hoàng Minh, Vingroup chỉ may mắn hơn ở chỗ những thông tin bất lợi cho sự nghiệp kinh doanh kiểu này được nhiều cơ quan truyền thông chính thức lờ đi, không loan báo!
***
Cuối năm ngoái, Công ty Ngôi sao Việt – một doanh nghiệp thành viên của Tân Hoàng Minh – làm dư luận rúng động khi dám trả 25.000 tỉ đồng cho một lô đất ở Thủ Thiêm khiến giá trung bình cho một mét vuông đất tại đó đạt mức khoảng 2,4 tỉ đồng...
Ba tuần sau, Chủ tịch Quốc hội lưu ý... “phải điều tiết để thị trường không nóng quá”. Bộ trưởng Tài chính lên án việc Tân Hoàng Minh trả giá như vừa kể là hành vi gây... “nhiễu loạn thị trường” và loan báo về việc... “tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán” (7). Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng thuộc NHNN yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với những doanh nghiệp tham gia đấu giá đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (8).
Những nhận định của một số viên chức hữu trách và động tác của một số cơ quan hữu trách như vừa đề cập là nguyên nhân chính khiến Tân Hoàng Minh tuyên bố từ bỏ quyền sử dụng lô đất vừa giành được, chấp nhận mất gần 600 tỉ tiền cọc... Sự ồn ào xoay quanh Tân Hoàng Minh chưa kịp lắng xuống thì ông Trịnh Văn Quyết lẳng lặng bán 74,8 triệu cổ phiếu của FLC mà không công bố thông tin. Người ta ước tính, nhờ thương vụ “bán chui” này, ông Quyết có thể kiếm được hàng ngàn tỉ...
Qua chuyện tham gia đấu giá đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, “bán chui” cổ phiếu, những doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản nói riêng và trên thương trường Việt Nam nói chung như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng,.. những “đại doanh nghiệp” nắm trong tay vô số “đại dự án” như FLC, Tân Hoàng Minh,... không chỉ cho thấy tính cách của các “đại gia”, nguyên nhân dẫn tới thành công của các “đại doanh nghiệp” mà còn minh họa cho nguy cơ đã được cảnh báo...
***
Cuối năm ngoái FiinRatings – một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam – phát cảnh báo về năng lực trả nợ cho trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết (cổ phiếu chưa được phép đưa ra giao dịch trên thị trường chứng khoán). Khác với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng thư vay tiền, xác định cụ thể mức lãi phải trả trong một khoảng thời gian cụ thể và phải hoàn vốn vào thời điểm cụ thể.
Theo FinnRatings, phần lớn trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành. Đa số doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết bán trái phiếu của họ cho các ngân hàng, công ty chứng khoán, có hoặc không có thế chấp hay được bên thứ ba bảo lãnh... và: Năng lực trả nợ của những doanh nghiệp này hiện ở mức rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động (9).
Cuối tháng trước, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn giới thiệu bản phân tích của SSI Research (chuyên nghiên cứu về chứng khoán). Theo báo cáo này, riêng trong năm 2021, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã phát hành lượng trái phiếu trị giá 320.000 tỉ đồng với mức lãi suất trung bình từ 10,3%/năm đến 10,6%/năm, thậm chí một số doanh nghiệp bất động sản cam kết trả lãi từ 12%/năm tới 13%/năm (10).
Đó cũng là lý do nhiều ngân hàng tại Việt Nam dốc tiền mua trái phiếu doanh nghiệp để hưởng chênh lệch lãi suất khi nhận tiền tiết kiệm và cho vay dù phần lớn trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán .
Ngân hàng Nhà nước từng bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ vỡ nợ dây chuyền khi nhiều ngân hàng dốc tiền mua trái phiếu mà nhiều doanh nghiệp phát hành để có tiền thanh toán nợ cũ đến hạn phải trả, trong đó có tới gần 50% là trái phiếu do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành và tuyên bố sẽ... “siết lại” (11) nhưng... năm ngoái, hệ thống ngân hàng và công ty chứng khoán đã bỏ 153.000 tỉ mua trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản!
Mới đây, bình luận về thị trường chứng khoán Việt Nam và trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng: Thao túng giá cổ phiếu, kể cả giao dịch nội gián, ở thị trường chứng khoán Việt Nam không hiếm nhưng suốt 20 năm vừa qua, truy cứu trách nhiệm hình sự như vừa làm với ông Quyết lại là trường hợp hiếm hoi. “Cây gậy” luật pháp đã không được sử dụng đúng với mức độ mà lẽ ra cần phải áp dụng để làm trong sạch thị trường suốt một thời gian dài (12).
***
Với những thông tin, dữ liệu như đã biết, liệu việc bắt một số “doanh nhân tiêu biểu” như Trịnh Văn Quyết. Đỗ Anh Dũng,... rồi “khẩn trương điều tra”, “gia tăng rà soát, thanh tra, kiểm tra, giám sát” việc “phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sử dụng tiền thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất” và “xây dựng các kịch bản ứng phó” như Thủ tướng vừa hối thúc các cơ quan hữu trách trong chính phủ thực hiện, có khả năng đạt mục tiêu “ổn định thị trường và ổn định tâm lý nhà đầu tư”?
Chú thích
(2) https://viettimes.vn/vafi-kien-nghi-ve-quan-ly-thi-truong-chung-khoan-post65857.html
(3) https://vnexpress.net/chu-tich-flc-bi-xu-phat-65-trieu-dong-3668779.html
(4) https://vov.vn/kinh-te/uy-ban-chung-khoan-huy-quyet-dinh-xu-phat-15-ty-dong-doi-voi-ong-trinh-van-quyet-post935448.vov
(5) https://thanhnien.vn/vi-sao-ceo-tan-hoang-minh-do-anh-dung-bi-bat-vi-toi-lua-dao-post1445849.html