Danh ca Châu Hà, vợ của cố nhạc sĩ Văn Phụng, qua đời lúc 3 giờ chiều, ngày 15 tháng 8 năm 2021 tại tiểu bang Virginia, Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi.
Ca sĩ Châu Hà tên thật là Trần Thị Hồng Tâm. Bà lấy nghệ danh Châu Hà khi trở thành ca sĩ lúc vào Sài Gòn năm 1955 hát trên đài Phát thanh Quốc gia Việt Nam do anh nuôi là ông Đoàn Văn Cừu làm Tổng giám đốc. Bà lấy nghệ danh vì không muốn bố mẹ biết bà đi hát.
Bà sinh năm 1935 trong một gia đình giàu có tại Hải Phòng, bố là một thương gia và mẹ là người Nam, gốc Mỹ Tho. Gia đình bà, bên nội và bên ngoại đều yêu thích âm nhạc. Bà từng kể với VOA rằng bố bà thích đi nghe cô đầu, mẹ bà ở nhà đánh đàn piano, và các dì, cậu bên ngoại đều ca vọng cổ rất mùi. Bà mê âm nhạc từ bé và được cho học piano với một ông thầy rất giỏi, rất nghiêm nên bà đàn rất khá. Từ nhỏ, bà đã mê giọng ca tiếng hát của các ca sĩ như Tino Rossi người Pháp, các ca sĩ Mỹ như Perry Como, Nat King Cole, Patti Page... qua máy nghe đĩa thời đó. Bà thuộc nằm lòng những bài hát do những ca sĩ này trình bày, từ cách ngắt câu, cách ngân nga và cả cách lấy hơi của họ.
Khi vào Sài Gòn, bà tìm cách học thêm về thanh nhạc và tìm được một cô giáo người Pháp. Khi đóng tiền xong, cô giáo yêu cầu bà hát thử một bài. Dứt bản nhạc, cô giáo trả lại tiền học và nói rằng bà đã là một ca sĩ nhà nghề rồi, không cần học thêm nữa. Trong một cuộc trao đổi với VOA trước đây, khi nhắc lại chuyện này, bà nói “Hát là cả một nghệ thuật rất khó, nếu Trời không cho, không làm được.”
Ca sĩ Phương Hồng Quế nhận xét về giọng ca của Châu Hà:
“Chất giọng của cô rất tươi, trong sáng, nhẹ nhàng, tươi vui thánh thoát, kỹ thuật cũng hay lắm, giọng hát giống như người cô ngoài đời lúc nào cũng cười, dí dỏm lắm. Hai ông bà vui lắm nên trẻ trung hoài. Cô hát hai bài ‘Tiếng hát với cung đàn’ cũng như ‘Suối tóc’ của ông hay lắm. Hồi nhỏ em ái mộ cô hai bài này lắm.”
Bài ‘Suối tóc’ là kết quả của một sự tình cờ hay là một cơ duyên. Bà Châu Hà từng chia sẻ với VOA rằng khi nhạc sĩ Văn Phụng đến thăm bố ông, là người thuê nhà của gia đình bà, lúc đó bà đang đàn ở trên lầu. Nghe tiếng đàn thánh thoát, ông tò mò lên lầu thì thấy bà Châu Hà đang ngồi đàn với mái tóc buông dài. Ông xin phép đàn lại bài bà Châu Hà vừa đàn và đàn luôn một mạch bài ông mới sáng tác theo cảm hứng của mái tóc dài và sau đó đặt tên là ‘Suối tóc’.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng nhận xét tiếng hát của bà Châu Hà có những nét Tây phương. Ông thích nhất bài ‘Suối tóc’ của Văn Phụng và bài ‘Tiếng Thời Gian’ của nhạc sĩ Lâm Tuyền do bà Châu Hà trình bày.
Nếu bài ‘Suối tóc’ là khởi đầu một cuộc tình, thì bài ‘Tiếng hát và cây đàn’ tượng trưng cho sự gắn bó của Văn Phụng với Châu Hà từ năm 1963, năm hai người thành hôn, cho đến khi ông qua đời vào năm 1999. Trên mộ bia của ông Văn Phụng, bà Châu Hà đã cho khắc bài ‘Tiếng hát với cung đàn’.
Ngoài việc đơn ca trên đài phát thanh hay truyền hình trước năm 1975, bà Châu Hà cùng với hai ca sĩ Kim Tước và Mộc Lan đã lập ban tam ca ‘Kim Mộc Châu’ nổi tiếng một thời với các giọng ca quyện vào nhau được thính giả ái mộ.
Ca sĩ Thanh Thúy ngậm ngùi khi được tin bà Châu Hà qua đời:
“Chị có tư cách đáng cho đàn em khâm phục. Chị hiền lành. Tôi nhớ chị nhiều nhất là nụ cười. Nụ cười chị hiền hòa dễ thương. Chị ít ra mặt với công chúng. Chị hát rất hay, giọng rất đặc biệt. Trình độ nhạc lý của chị rất cao.”
Ca sĩ Phương Hồng Quế tiếc nuối trước sự ra đi của danh ca Châu Hà:
"Nghe cô mất em cũng buồn lắm vì cô cháu mấy chục năm trong nghề gặp nhau. Cô chú vui tính. Em cũng tiếc, tài năng của cô và tính cách của cô dễ thương.”
Ca sĩ Châu Hà và nhạc sĩ Văn Phụng, theo nhận xét của ca sĩ Thanh Thúy, là cặp vợ chồng sống ẩn dật.
Hai ông bà vẫn đều đặn đi thờ phượng Chúa tại Hội Thánh Tin lành Việt Nam ở Dunn Loring, tiểu bang Virginia, cách thủ đô Washington không xa. Từ khi ông mất, bà chuyển sang Hội Thánh Episcopal ở thành phố Annandale gần đó, có lẽ vì không muốn ‘thấy cảnh cũ nhớ người xưa’, bởi vì có một thời gian khoảng 7 năm sau khi nhạc sĩ Văn Phụng mất, ca sĩ Châu Hà bị trầm cảm nặng khi nghe nhạc của chồng, phải vào bệnh viện chữa trị.