Tiếng Việt đã được công nhận là một trong những ngôn ngữ chính thức ở San Francisco, giúp thêm nhiều cư dân nói tiếng Việt tiếp cận được dễ dàng hơn các dịch vụ của thành phố.
Hội đồng Giám sát San Francisco ngày thứ Ba 11 tháng 6 đã biểu quyết nhất trí tuyên bố tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của thành phố, cùng với tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Philippines là những ngôn ngữ mà thành phố bắt buộc phải có dịch vụ dịch thuật, báo San Francisco Chronicle đưa tin.
Bước đi này, cùng với những thay đổi khác đối với sắc lệnh tiếp cận ngôn ngữ của San Francisco, nhằm mục đích bảo đảm rằng cư dân có thể được phục vụ bằng ngôn ngữ mà họ cảm thấy thoải mái nhất.
Sắc lệnh tiếp cận ngôn ngữ của thành phố, ban hành năm 2001, trước đây quy định các ban ngành của thành phố phải dịch các dịch vụ sang bất cứ ngôn ngữ nào với ít nhất 10.000 người nói trong thành phố có trình độ tiếng Anh hạn chế.
Sự thay đổi công bố hôm thứ Ba hạ ngưỡng này xuống còn 6.000, đối với cả tiếng Việt. Tổng cộng có 6.791 cư dân San Francisco được xác định là người nói tiếng Việt chủ yếu, theo số liệu thống kê của thành phố. Thành phố hiện giờ sẽ phải cung cấp thông dịch qua điện thoại, website, thông báo bằng văn bản và các dịch vụ chính thức khác bằng tiếng Việt.
Luật này đã được giới thiệu vào năm ngoái bởi Giám sát viên Khu vực 10 Shamann Walton. Ông nói thành phố cần mở rộng khả năng tiếp cận ngôn ngữ để bảo đảm cộng đồng người nhập cư có thể tham gia vào quy trình của chính phủ.
“San Francisco là nơi có nhiều cộng đồng nhập cư đa dạng và là nơi dẫn đầu quốc gia trong việc cung cấp các dịch vụ tiếp cận ngôn ngữ với một trong những luật tiếp cận ngôn ngữ địa phương mạnh mẽ và toàn diện nhất,” ông Walton nói tại một cuộc họp báo trước cuộc biểu quyết hôm thứ Ba, theo tờ Chronicle.
Ông Joaquin Nguyễn Hòa, điều phối viên cộng đồng thuộc tổ chức Marin Asian Advocacy Project, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các cộng đồng người nhập cư và người tị nạn ở Quận Marin ngay bên cạnh San Francisco, nói việc tiếng Việt được công nhận là ngôn ngữ chính thức là một “tin vui” không chỉ cho cư dân gốc Việt của thành phố mà còn cho cả khu vực lân cận.
“Lợi ích trước mắt nó đem lại là giúp đỡ nhiều bà con người Việt không thạo tiếng Anh, trong công việc hàng ngày, nhất là những việc liên quan tới sức khỏe, bệnh viện,” ông giải thích.
“Những bà con hay đến bệnh viện lại là những người ít thạo tiếng Anh nhất, vì là những người lớn tuổi, khi sang Mỹ không thể học và sử dụng ngôn ngữ thứ hai này tốt như những người trẻ hơn. Nhóm người thứ hai hưởng lợi từ việc này là bà con dù còn trẻ, nhưng mới sang, vì sinh kế phải làm công việc chân tay, không có thời gian để học.”
Ông nói thêm chính địa phương công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức cũng sẽ “hưởng lợi lớn” vì những người Việt không thạo tiếng Anh sẽ hiểu quy định pháp luật, lề thói xã hội Mỹ hơn. Ông đơn cử một ví dụ là việc phân loại rác tại nhà vì nhiều người Việt Nam không hiểu phải làm như thế nào vì không có ngôn ngữ đi kèm với các hình dán trên thùng rác.
Một lợi ích khác nữa là cho việc phát triển của cộng đồng.
“Việc công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức tại một thành phố đóng vai trò hàng đầu về kinh tế và văn hóa như San Francisco sẽ tạo sự tự tin, cảm hứng cho cộng đồng người Việt duy trì văn hóa của mình, vì ngôn ngữ là cốt lõi, là phương tiện cho việc duy trì đó,” ông cho biết.
Nhưng đi kèm với những lợi ích là những thách thức, theo nhận định của ông.
Thứ nhất, nhà chức trách sẽ cần phải chú ý đến việc trình bày ngôn ngữ một cách sáng sủa và dễ hiểu. Bản thân là một nhà báo tự do, ông Hòa cho biết ông từng tham gia kiểm tra một website mới phiên bản tiếng Việt của Quận Marin và phát hiện những từ ngữ dùng sai hoặc không rõ nghĩa, vốn được dịch lại từ tiếng Anh bằng công cụ Google Dịch thuật.
Thứ hai, việc sử dụng tiếng Việt có khả năng sẽ dẫn đến những tranh cãi không đáng có, theo ông Hòa. Phần lớn những cư dân gốc Việt ở Mỹ là người tị nạn và một số người có quan điểm chống đối cộng sản kịch liệt thậm chí cả trong cách sử dụng ngôn ngữ.
“Tiếng Việt nào đúng, từ nào trước năm 1975, từ nào sau 1975, mang đầy màu sắc chính trị,” ông nói. “Nên nhớ rằng trong mấy chục năm qua, tiếng Việt thay đổi rất mạnh tại Việt Nam, và những người Việt nhập cư vào Mỹ trong hai mươi năm gần đây ngày càng đông trong cộng đồng Việt Nam, và những người này, những người quen thuộc với loại tiếng Việt phát triển sau năm 1975, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong không gian tiếng Việt tại Mỹ.”