Từ đầu tháng Tư này, Việt Nam chính thức ban hành lệnh cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc, hạn chế người dân ra đường đề phòng sự lây lan của dịch bệnh trong vòng 15 ngày. Cuộc sống ở khắp thành thị cho tới thôn quê có thể nói gần như đình trệ trong cơn đại dịch. Nhưng từ trước đó, việc tụ tập, kinh doanh, buôn bán ở những thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã được yêu cầu tạm ngừng; hàng quán và những nhà mặt đường có hoạt động kinh doanh đều bị lực lượng công an địa phương và tổ trưởng tổ dân phố tuần tra, yêu cầu đóng cửa, không tiếp khách.
Giải pháp quyết liệt này được đa phần các hộ kinh doanh, tiểu thương đồng tình trước nguy cơ lây lan cao của dịch bệnh, dù cuộc sống và thu nhập của nhiều gia đình phải trông vào công việc kinh doanh mỗi ngày.
“Thật ra nó không cấm đoán hoàn toàn đâu nhưng mà mình cũng nên nghỉ thật vì cũng sợ. Bán cho khách vào cũng thấy ghê ghê, cũng sợ lây nhiễm, cũng sợ, thôi thà đóng cửa cho yên tâm, không bán được một tí rồi lại suốt ngày xịt khuẩn nọ kia thì cũng mệt. Thật ra tâm lý mọi người thì bây giờ chưa nghĩ tới cái đói đâu mà chủ yếu là sợ bệnh. Đang nghĩ làm sao để hết được dịch đã, chưa nghĩ đến cái đói. Nhưng sau đó mới là đói đấy,” cô Trần Thị Thảo, chủ cửa hàng kinh doanh điện gia dụng trên mặt tiền đường Phùng Hưng, chia sẻ.
Mỗi nhà mỗi cách, hộ kinh doanh nhỏ thì đóng cửa, có bao nhiêu tiền tiết kiệm được trước đó thì đem ra chi tiêu vào lúc này. Cô Thảo cho biết thêm: “ Lấy ra mà tiêu chứ còn biết làm thế nào. Bây giờ đại gia đình nhà mình nếu mà qua được hết không làm sao thì cũng đã là yên tâm 2/3 rồi. Rồi sau đó, chuyện kinh tế thì người nọ lo cho người kia thôi, rồi cũng như các cụ sẽ đâu vào đấy hết thôi ý mà. Các cụ nhà mình ngày xưa ăn nước mắm chan cũng có làm sao đâu, thì bây giờ mình trong hoàn cảnh này cũng phải vậy. Lúc đó mới thật sự thấy giá trị của cuộc sống.”
Tuy vậy, trường hợp của cô Thảo là khá may mắn khi cửa tiệm kinh doanh cũng chính là nhà ở thuộc sở hữu của gia đình. Còn đối với những chủ tiệm phải trả tiền thuê mặt bằng nếu không được miễn tiền thuê trong 3 tháng trở lại đây và vài tháng tới thì tìm cách đóng cửa, trả cửa hàng.
Những hộ kinh doanh lớn hơn có nhân viên thì cho nhân viên tạm nghỉ việc về quê, chờ hết dịch mới quay lại.
Chị Tô Nga, một chủ khách sạn tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ ngay trước khi có thông báo tạm ngừng hoạt động, khách sạn của chị đã đóng cửa vì không có khách, doanh thu không đủ trang trải cho chi phí vận hành nên việc đóng cửa, tạm ngừng hoạt động cũng là một cách giảm lỗ vào thời điểm này.
“ Mình đóng cửa lâu rồi, có ai đâu mà không đóng. Việt Nam mình nó giới nghiêm ngay từ ban đầu rồi thành ra người ta cũng đi lại ít ý, cho nên tôi phải đóng cửa lâu rồi. Nhân viên thì mình phải duy trì một ít ví dụ như là những người bảo vệ hay house keeping thì mình phải giữ để trông coi và chăm sóc khách sạn, còn các nhân viên khác thì mình hỗ trợ cho một ít về quê. Khi nào hết dịch thì quay lại thì nhận lại sau. Nói chung là chết, dân khách sạn chết hết,” chị nói.
Nhìn chung, đối với những chủ tiệm hay hộ kinh doanh lâu năm, có tiền tích luỹ và mặt bằng kinh doanh thuộc sở hữu của gia đình như trường hợp của cô Thảo và chị Nga thì có thể yên tâm chờ đợi trong một vài tháng, chờ hết dịch mới quay lại hoạt động. Còn đối với những tiểu thương mà cuộc sống trông cả vào thu nhập hàng ngày từ hoạt động buôn bán, kinh doanh thì đây quả là khoảng thời gian khó khăn chưa từng thấy. Có người e rằng nhiều khi chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì không còn gì ăn trong gia đình. Đấy là lý do vì sao tại nhiều khu phố, mặc dù đã có lệnh đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh nhưng nhiều chủ cửa tiệm ăn uống, kinh doanh bánh ngọt, nước giải khát vẫn tìm cách âm thầm bán hàng cho những người khách có nhu cầu. Thậm chí trong nhiều trường hợp, khách được mời vào qua cửa ngách, và phía bên trong cửa tiệm đóng cửa là hàng chục người ngồi ăn uống với nhau dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Chị Trần Hương, một chủ cửa hàng kinh doanh trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, đã tạm đóng cửa gần 2 tuần nay, thuật lại với VOA Việt ngữ: “ Hôm qua chị đi mua bánh. Chị thấy sập cửa chị mới định quay xe máy về và nghĩ là thôi chết rồi hàng này cũng đóng cửa, thì nghe thấy bà ý gọi nhỏ nhỏ bên trong. Em ơi, em ơi, gọi như buôn bạc giả. Chị thấy tiếng thì thầm, chị mới nhòm qua khe cửa thì thấy bà ý nói em ơi em đi vào cửa ngách đằng sau nhé. Dựng xe máy ở đấy, em đi vào rồi chị nói chuyện…”
Đấy cũng là lý do vì sao hiện tại các tổ nhân phố và trật tự phường tại hầu khắp các quận nội thành tại Hà Nội thường xuyên phải đi tuần và yêu cầu các chủ cửa hàng phải đóng chặt cửa, không được hé mở, đề phòng việc lén lút buôn bán, kinh doanh. Đóng cửa hoàn toàn, không có bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào trong vòng ít nhất nửa tháng tới đây và còn có thể kéo dài hơn nữa, dù là để phòng bệnh cũng khiến cuộc sống của những gia đình như vậy lâm vào thế bí. Nhiều người thực sự hoang mang không biết rồi gia đình sẽ sống ra sao nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Hiện tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn có sự lây nhiễm trong cộng đồng; có nghĩa là không còn xác định được bệnh nhân lây nhiễm đầu tiên hay còn gọi là F0. Một người có thể lây nhiễm mà không xác định được ai là người lây nhiễm cho mình. Vì thế, việc ban bố cách ly xã hội trên toàn quốc là một hành động cần thiết. Tuy nhiên, nếu không tính tới những giải pháp trợ giúp cho những tiểu thương mà cuộc sống trông vào hoạt động buôn bán thường ngày, thì họ khó có thể chấp hành một cách nghiêm túc yêu cầu ngừng hoạt động để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.