Một đại bồi thẩm đoàn liên bang hôm thứ Sáu đã chấp thuận những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, truyền thông ở Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết.
Bản cáo trạng được niêm phong theo lệnh của thẩm phán liên bang vì vậy không rõ những cáo buộc đó là gì và đối tượng bị nhắm tới là ai. Reuters dẫn một nguồn tin cho biết nó có thể được công bố sớm nhất là vào ngày thứ Hai.
Tin đại bồi thẩm đoàn ở Washington đệ trình những cáo buộc này được đài CNN loan đi đầu tiên vào tối thứ Sáu. Nguồn tin của CNN cho biết đối tượng có thể sẽ bị câu lưu sớm nhất là vào ngày thứ Hai.
Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận vào tháng 1 rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 để cố gắng giúp Tổng thống Donald Trump đánh bại ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton thông qua một chiến dịch tấn công tin tặc và rò rỉ những email gây bẽ mặt, và phát tán tuyên truyền qua mạng xã hội để làm mất uy tín chiến dịch tranh cử của bà.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang, đang điều tra liệu các quan chức của ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với những nỗ lực của Nga hay không.
"Nếu Công tố viên Đặc biệt thấy cần thiết và thỏa đáng, Công tố viên Đặc biệt có thẩm quyền truy tố những hình tội liên bang xuất phát từ cuộc điều tra những vấn đề này," Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein nói trong một lá thư ngày 17 tháng 5 bổ nhiệm ông Mueller.
Các nguồn tin nắm rõ cuộc điều tra của ông Mueller cho biết ông đã sử dụng quyền lực rộng lớn này để điều tra những liên kết giữa các trợ lý của ông Trump và các chính phủ nước ngoài cũng như hoạt động rửa tiền, trốn thuế và các tội phạm tài chính khả dĩ khác.
Peter Carr, phát ngôn viên của ông Mueller, từ chối bình luận hôm thứ Sáu.
Ông Trump, đắc cử tổng thống vào tháng 11 năm ngoái trong tư cách ứng cử viên Đảng Cộng hòa, đã bác bỏ các cáo buộc nói rằng ban vận động của ông thông đồng với Nga và lên án các cuộc điều tra về vấn đề này là "săn lùng phù thủy" (ý nói ông bị truy bức về chính trị).
Điện Kremlin phủ nhận những cáo buộc này.
Cuộc điều tra của ông Mueller cũng bao gồm một nỗ lực nhằm xác định xem liệu ông Trump hay bất kỳ trợ lý nào của ông có tìm cách cản trở công lý hay không.
Đội ngũ điều tra của công tố viên đặc biệt đã tiến hành các cuộc phỏng vấn với cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer và các quan chức Nhà Trắng hiện nhiệm và tiền nhiệm khác.
Vào tháng 7, các đặc vụ FBI đã đột kích nhà riêng của cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, ở bang Virginia. Những giao dịch tài chính và bất động sản và công tác trước đây của ông Manafort cho một đảng chính trị thân Nga ở Ukraine đang bị đội ngũ của ông Mueller điều tra.
Ông Mueller được bổ nhiệm dẫn đầu cuộc điều tra một tuần sau khi ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey, người khi đó đang tiến hành một cuộc điều tra liên bang về sự thông đồng khả dĩ với Nga.
Ông Trump ban đầu nói ông sa thải ông Comey vì sự lãnh đạo kém cỏi của ông ta tại FBI, nhưng trong một cuộc phỏng vấn sau đó với đài NBC ông nhắc tới "cái vụ Nga này" là nguyên nhân.
Cuộc điều tra liên quan tới Nga đã phủ bóng lên nhiệm quyền tổng thống kéo dài chín tháng của ông Trump và khơi sâu sự chia rẽ đảng phái giữa những người theo Đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa hồi đầu tuần này đã khởi động các cuộc điều tra để xem xét những bất bình chính trị lâu nay của ông Trump, bao gồm cuộc điều tra của FBI về những email của Hillary Clinton và vai trò bị cáo buộc của bà trong việc bán uranium cho một công ty của Nga.
Đội ngũ của ông Mueller cũng đã điều tra Michael Flynn, người từng là cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump và sau đó trở thành cố vấn an ninh quốc gia.
Ông Flynn bị sa thải khỏi vị trí đó vào tháng 2 sau khi nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về tầm mức của những cuộc trò chuyện của ông ta với đại sứ Nga Sergei Kislyak vào năm ngoái.
Khi còn trong ban vận động tranh cử của ông Trump, ông Flynn cũng có một hợp đồng trị giá 600.000 đôla từ một doanh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ nhằm làm mất uy tín giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen sống ở Mỹ, người bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc khơi mào cuộc đảo chính bất thành vào tháng 7 năm 2016.