Một trong những người tình nguyện lâu năm tại Virginia là Mục sư Huỳnh Minh Mẫn. Ông tình nguyện làm việc trong ngành cứu thương từ khi chưa được phong chức mục sư. Ông nói:
“Tôi nhìn thấy cái bảng họ để là cần người tình nguyện đặt trên đường ở mấy trạm cứu hỏa. Khoảng đó là năm 1993 mọi sự đã ổn định rồi sau khi đi tị nạn thì thấy bây giờ mình có được cuộc sống thoải mái như vầy thì nên nghĩ tới chuyện là phải làm một cái gì đó để gọi là đền đáp lại công ơn của chính phủ và dân chúng Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay đón chào mình lúc mình là một người đi tị nạn cộng sản. Tôi đến hỏi thăm và ghi tên và sau đó được đưa đi huấn luyện. Sau khi huấn luyện xong tôi phục vụ cho trạm cứu thương ở thành phố Sterling thuộc Loundon County.”
Your browser doesn’t support HTML5
Mục sư Mẫn cho biết thêm là lúc đó ông làm về điện tử, không biết gì về cứu thương cả nhưng sau khi được huấn luyện về cứu thương trong 3 tháng và được sự chỉ dẫn của các đồng nghiệp, ông hoàn tất tốt đẹp công việc được giao. Ông nói thêm về nghĩa vụ của các tình nguyện viên trong ngành cấp cứu.
“Mỗi một tình nguyện viên phục vụ cho đơn vị cứu thương, cứu hỏa, phải cam kết phục vụ 12 tiếng đồng hồ một tuần. Sau đó mỗi tháng phải phục vụ thêm 24 tiếng đồng hồ cho 4 ngày cuối tuần trong tháng.”
Bà Lê Tống Mộng Hoa, một giáo chức hiện đã nghỉ hưu nhưng vẫn liên tục tình nguyện dạy tiếng Việt cho các em học sinh. Bà dạy tiếng Việt từ năm 1977 và hiện nay bà dạy tại trường Việt ngữ Thăng Long ở thành phố Falls Church, Bắc Virginia. Bà nói:
“Những thiện nguyện viên trong các trường Việt ngữ phần đông là kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, lấy tình thương, việc khuyến khích để dạy các em. Làm thế nào các em hy sinh sáng thứ Bảy đi học nhưng thấy vui.”
Bà Lê Tống Mộng Hoa giải thích thêm là tinh thần tình nguyện của người Mỹ được thành hình ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Trường học không những tạo điều kiện cho các em học sinh làm công việc thiện nguyện nhưng cũng khuyến khích phụ huynh học sinh thúc đẩy con em mình và ngay chính mình tình nguyện làm các công tác xã hội. Bà Hoa cho biết thêm:
“Trường tiểu học, trường trung học cũng kêu gọi phụ huynh bằng cách gởi thơ cho học sinh mang về khi có đi chơi để giúp trường. Hồi đó tôi đến trường để giúp làm photocopy. Ở đây mình ý thức được những việc này còn ở Việt Nam tôi thấy không có chuyện đó.”
Em Bảo Ngọc năm nay 15 tuổi, tình nguyện làm cho thư viện lúc em còn nhỏ giải thích về lý do em trở thành một tình nguyện viên:
“Trước tiên con đi làm tình nguyện viên là để hoàn thành yêu cầu của nhà trường là học sinh trung học cần phải có giờ làm việc, đi làm tình nguyện trong năm học và con có mục đích để chuẩn bị khi nộp đơn vào đại học hoặc xin việc làm thì họ cũng có đòi hỏi học sinh phải có kinh nghiệm làm công tác xã hội thì mình mới được nhận thêm điểm phụ trội vào đại học hay nhận được học bổng của trường hơn các bạn không có làm. Ngoài ra bố mẹ ông bà cũng khuyến khích con giúp đỡ mọi người chung quanh, bất cứ khi nào con có cơ hội làm việc hữu ích thay vì ở nhà xem phim, chơi game …”
Em Bảo Ngọc nói tiếp:
“Ông Bà và Bố Mẹ con cũng luôn luôn muốn con làm việc thiện nguyện, làm các công tác xã hội để tỏ lòng biết ơn đối với đất nước Mỹ đã cưu mang gia đình của con tị nạn cộng sản và cho họ cơ hội trên một đất nước tự do này và vì vậy con mới có một ngày hôm nay.”
Em Bảo Ngọc cho biết ngoài việc làm thiện nguyện tại thư viện Thomas Jefferson ở Falls Church em còn đến Bailey’s Crossroads để phục vụ cơm trưa cho những người vô gia cư.
Bà Lý Kim Hà, cựu nhân viên Sở Xã hội Quận Fairfax, vùng bắc tiểu bang Virginia, cho biết việc kêu gọi tình nguyện viên để phục vụ cho các chương trình xã hội giúp cộng đồng Việt Nam gặp nhiều khăn. Bà Lý Kim Hà nêu lên trường hợp chương trình Meals on Wheels (MOW) đưa thức ăn đến tận nhà cho những người neo đơn.
“Trong rất nhiều năm, Sở Xã hội và Tiểu bang muốn có chương trình Meals on Wheels cho cộng đồng người Việt giúp những người già neo đơn, nằm một chỗ hay không có phương tiện đi lại để tự mua thức ăn cho mình, thì bên cộng đồng người Đại Hàn họ đã có chương trình đó trước mình gần 4 năm mà mình vẫn không dùng được cho đến khi nguồn tiền để giúp chương trình đó thành hình sắp hết hạn thì lúc đó Sở xã hội tuyển dụng người để phụ trách chương trình. Một trong những khó khăn là tìm cho đủ thiện nguyện viên.”
Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Hà thì dần dần cộng đồng người Việt hải ngoại cũng ý thức được việc này và tích cực làm các công tác xã hội.
“Càng lúc người Việt mình càng hòa nhập vào đời sống của quê hương thứ hai. Riêng tại quận Fairfax, cái tình và cái tính tự nguyện, có thể nói là bây giờ cũng không có thua kém với những cộng đồng khác nhiều như ngày xưa.”
Làm các công việc tình nguyện ngoài việc giúp dễ tìm việc làm sau này theo như em Bảo Ngọc, thì công tác tình nguyện cũng giúp cho tình nguyện viên tìm được nguồn vui trong cuộc sống, như kinh nghiệm của bà Lê Tống Mộng Hoa:
“Mình cứ làm một chút việc thiện mình đem niềm vui cho người khác thì tự nhiên mình cũng được vui.”