Tình trạng nhân quyền sa sút đáng ngại ở miền đông Ukraine làm đất nước tan nát

  • Lisa Schlein

Các phần tử nổi dậy thân Nga đứng cạnh một đường hào mới đào tại một vị trí gần thị trấn Slaviansk, miền đông Ukraine, 16/5/2014.

Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng sự sa sút đáng ngại về tình trạng nhân quyền ở miền đông Ukraine đang đe dọa làm đất nước này tan nát. Một báo cáo của Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ghi nhận các hoạt động bất hợp pháp của các nhóm vũ trang ở miền đông và nêu bật các vấn đề đang nổi lên ở Crimea, kể từ khi sáp nhập vào Nga hồi tháng Ba.

Báo cáo 36 trang viện dẫn các trường hợp sát hại có mục tiêu, tra tấn và đánh đập, cũng như những vụ bắt cóc, hăm dọa và sách nhiễu tình dục, phần lớn được thực hiện bởi điều các nhóm mà báo cáo gọi là chống chính phủ được vũ trang hùng hậu ở miền đông Ukraine.

Người đứng đầu bộ phận châu Âu của Văn phòng Cao Uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Gianni Magazzeni, nói tình trạng dường như suy sụp về luật pháp và trật tự ở miền đông Ukraine rất đáng lo ngại.

Ông Magazzeni nói: “Nó nêu ra bằng chứng của tình trạng thiếu luật pháp và trật tự trong một số vụ vi phạm nhân quyền rất trầm trọng và đáng lo ngại ở miền đông, nhất là do hậu quả của sự hiện diện, hành động, ảnh hưởng trực tiếp của các băng đảng. Nhưng còn gián tiếp qua sự hăm dọa nhắm vào các ký giả, người dân thường, có liên quan đến khả năng của bất cứ ai được phép bày tỏ ý kiến... một số người tự xưng là thị trưởng cũng đã cấm một số chính đảng hoạt động.”

Your browser doesn’t support HTML5

Nga ngưng hỗ trợ Trạm Không gian đáp lại chế tài của Mỹ


Báo cáo nhận thấy giới truyền thông thực sự bị phong tỏa ở miền đông Ukraine. Báo cáo nói các ký giả, blogger và các cơ quan truyền thông khác đang đứng trước các mối đe dọa và hành vi đe nẹt ngày càng nhiều. Sự kiện này bao gồm việc bắt cóc và giam giữ trái phép của các nhóm vũ trang. Báo cáo nêu ra rằng có ít nhất 23 thành viên truyền thông nước ngoài và Ukraine đã bị bắt cóc và giam giữ trái phép, chủ yếu ở thành phố Slovyansk.

Các thanh sát viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng viện dẫn nhiều thí dụ về sách nhiễu, hăm dọa và chặn các chương trình phát thanh và truyền hình ở Crimea. Họ cho hay một số đài phát thanh và truyền hình không còn lên sóng.

Báo cáo nhận thấy những điểm khác biệt giữa luật pháp Nga và luật pháp Ukraine đang gây khó khăn cho cư dân Crimea. Chẳng hạn những người nhiễm HIV không còn được chữa trị vì tình trạng sức khỏe của họ bởi vì việc này bị hạn chế theo luật của Nga.

Một người sắc tộc Tatar cầm cờ Tatar

Báo cáo nêu ra rằng 7.200 người ở Crimea, chủ yếu là người Tatar, đã rời khỏi bán đảo và bị thất tán đến những nơi khác của Ukraine. Ông Magazzeni nói với đài VOA rằng Liên Hiệp Quốc rất lo ngại về ngôn ngữ thù ghét và các hình thức sách nhiễu và hăm dọa nhắm vào người Tatar. Ông nêu ra rằng ngày 18 tháng 5 là kỷ niệm 70 năm vụ người Tatar bị chính quyền của nhà độc tài Xô Viết Josef Stalin trục xuất tập thể ra khỏi Crimea.

Ông Magazzeni nói tiếp: “Chúng tôi rất quan tâm đến những gì họ đã phải trải nghiệm và khả năng bị kỳ thị thêm cùng những vụ vi phạm nhân quyền do vấn đề quốc tịch và vô tổ quốc gây ra... Tôi nghĩ không phải là vấn đề họ tự ý ra đi, mà là tác động có liên quan đến đất đai của họ, quyền của họ, công việc của họ, gia đình của họ... đấy là những vấn đề cấp thiết mà chúng tôi muốn có thể theo dõi.”

Góp ý về những vấn đề vừa kể, Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị Ukraine ngưng gây trầm trọng thêm tình hình trong nuớc và để cho cuộc bầu cử dự trù vào ngày 25 tháng 4 được xúc tiến một cách tự do và minh bạch.

Bà hô hào chấm dứt luận điệu thù ghét và tuyên truyền. Theo bà, việc này, kèm với những vụ giết hại và các hành vi bạo lực khác, đang bồi thêm vào tình trạng leo thang khủng hoảng ở Ukraine.