Tổ chức Ân xá Quốc tế: Việt Nam phải rút lại, sửa đổi Nghị định 147

Một người dùng TikTok ở Hà Nội, ngày 6/10/2023.

Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa kêu gọi chính quyền Việt Nam thu hồi và sửa đổi Nghị định 147 có nội dung yêu cầu người dùng mạng xã hội tại quốc gia cộng sản này phải xác thực bằng số điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân.

Ân xá Quốc tế, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Anh, cảnh báo rằng nghị định này “đe dọa quyền tự do ngôn luận và khuyến khích việc tự kiểm duyệt”, trong khi chính phủ Việt Nam cho rằng văn bản pháp luật này nhằm đảm bảo “an ninh quốc gia”.

Không chỉ yêu cầu người dùng mạng xã hội phải xác thực trên tất cả các nền tảng, Nghị định 147 cũng đòi hỏi các doanh nghiệp viễn thông phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, dịch vụ bị xem là bất hợp pháp trong vòng 24 giờ.

Cụ thể, các nhà mạng xã hội phải cung cấp thông tin chi tiết về người dùng Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, cũng như gỡ bỏ nội dung theo yêu cầu của các bộ này.

“Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận trên mạng”, Tổ chức Ân xá Quốc tế nêu ý kiến trong các bài đăng trên trang X và Faceboook hôm 24/12. “Nhà chức trách phải thu hồi và sửa đổi Nghị định 147 mới này, nhắm vào người dùng mạng xã hội và sẽ có hiệu lực vào ngày 25/12”.

Nghị định gây tranh cãi này được ban hành vào ngày 9/11/2024, theo đó người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam hoặc ID (nếu không có số điện thoại). Mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký.

Ngoài ra, nghị định yêu cầu rằng chỉ các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Your browser doesn’t support HTML5

Nghị định hà khắc về truyền thông xã hội của Việt Nam có hiệu lực vào lễ Giáng sinh

Theo các nhóm nhân quyền, nghị định này khiến Việt Nam tiến gần đến mô hình kiểm duyệt của Trung Quốc và áp đặt các hạn chế chơi game đối với trẻ vị thành niên.

Nghị định 147 cũng đưa ra quy định mới về cấp phép và quản lý trang thông tin điện tử, theo đó trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội trong nước phải được cấp phép.

Hôm 10/12, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính phủ Việt Nam bãi bỏ nghị định mới “hà khắc” này vì cho rằng nghị định có nội dung gây hại tới quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam.

“Nghị định 147 mới ban hành và các điều luật an ninh mạng khác của Việt Nam chẳng bảo vệ được người dân trước các mối lo về an ninh mạng đúng nghĩa mà cũng chẳng thể hiện sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong thông cáo.

“Vì công an Việt Nam coi bất cứ ý kiến phê phán nào đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là một vấn đề an ninh quốc gia, nên nghị định này sẽ tạo thêm cho họ một công cụ nữa để đàn áp bất đồng chính kiến”.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về các phát biểu trên của Ân xá Quốc tế và Theo dõi Nhân quyền, nhưng chưa được trả lời.

Truyền thông trong nước ca ngợi rằng nghị định 147 là “bước tiến” trong quản lý không gian mạng và bảo vệ người dùng, giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.

Hôm 25/12, hãng tin AFP dẫn lời một số nhà phê bình cho rằng Nghị định 147 sẽ khiến các nhà bất đồng chính kiến ẩn danh bị bắt giữ.

Nhà hoạt động Đặng Thị Huệ, người viết về các vấn đề chính trị và xã hội, nói: “Nghị định 147 sẽ được sử dụng để đàn áp công khai những người có quan điểm khác nhau”.

Cựu tù nhân chính trị Lê Anh Hùng nhận định rằng nghị định này là “dấu hiệu mới nhất về sự xâm phạm các quyền tự do cơ bản... với ranh giới mơ hồ giữa điều gì hợp pháp và điều gì không hợp pháp”.

“Không ai muốn vào tù. Vì vậy, tất nhiên, một số nhà hoạt động sẽ thận trọng hơn và e ngại nghị định này”, cựu tù nhân Lê Anh Hùng ở Hà Nội nhận định.

“Nhiều người hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả trong việc thúc đẩy các giá trị nhân quyền phổ quát”, blogger và nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Hoàng Vi ở thành phố Hồ Chí Minh nói với AFP.

Nữ blogger này cho rằng nghị định mới có thể khuyến khích việc tự kiểm duyệt, khiến mọi người tránh bày tỏ quan điểm bất đồng để bảo vệ sự an toàn của họ, điều mà theo bà “sẽ gây hại cho sự phát triển tổng thể của các giá trị dân chủ” ở Việt Nam.

Theo hồ sơ của Tổ chức Ân xá Quốc tế, ít nhất 45 người, bao gồm cả các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, đã bị bắt vì các bài đăng trên mạng xã hội của họ kể từ tháng 4/2023 đến nay.

Your browser doesn’t support HTML5

Tổ chức Ân xá Quốc tế: Việt Nam phải rút lại và sửa đổi Nghị định 147