Black Girls Vote là một tổ chức phi đảng phái có mục tiêu nâng cao nhận thức trong giới trẻ nữ người Mỹ gốc Phi về tầm quan trọng của việc tham gia chính trị. Trong khi mục tiêu chính được đưa ra là đạt được số cử tri nữ đủ điều kiện càng nhiều càng tốt, tổ chức Black Girls Vote còn có mục tiêu lớn hơn, vượt ra khỏi các cuộc bầu cử.
Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là tới kỳ bầu cử tổng thống Mỹ. Trong khi một số người Mỹ đã xác định được kế hoạch bỏ phiếu cho người nào, nhiều người khác vẫn còn chưa quyết định, và có những người còn lưỡng lự chưa biết có nên tham gia hay không.
Your browser doesn’t support HTML5
Nykidra (“Nyki”) Robinson, người sáng lập ra tổ chức Black Girls Vote, nhận thấy sự miễn cưỡng ở nhiều phụ nữ trẻ người Mỹ gốc Phi, bất chấp sức mạnh đang ngày càng tăng của các cử tri thiểu số.
Cô Robinson nói: “Chúng ta biết là trong năm 2008 và năm 2012, phụ nữ da đen đã quyết định việc bầu chọn tổng thống. Theo Trung tâm Tiến bộ Mỹ, 76% phụ nữ Mỹ gốc Phi đã đăng ký bỏ phiếu, với 70% trong số họ đã bỏ phiếu”.
Vậy tại sao phụ nữ trẻ người Mỹ gốc Phi, trong độ tuổi từ 19 đến 25 tuổi, lại ở nhà trong ngày bầu cử?
Cô Robinson cho biết: “Đôi khi họ không hiểu biết về chuyện bỏ phiếu bầu cử, quyền bầu cử là gì, nó có tác động gì trong cuộc sống thường ngày của họ”.
Black Girls Vote là một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái.
Cô Robinson nói: “Chúng ta có các đảng viên Cộng hòa. Chúng ta có các đảng viên Dân chủ và các thành viên độc lập. Chúng ta có các đảng viên của đảng Xanh. Nhưng chúng ta cổ vũ cho điều chúng ta thực sự tin là sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng ta. Chúng ta ủng hộ cho những người ủng hộ chúng ta. Chúng ta cần phải hiểu sức mạnh của sự đoàn kết và cùng nhau đòi hỏi sự thay đổi”.
Trong các cuộc bầu cử sơ bộ, tổ chức Black Girls Vote đã đi phát những chiếc dù nhằm khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu ngay cả khi trời mưa. Nhóm này cũng kêu gọi các nhà trẻ thu xếp giữ trẻ muộn hơn thường lệ để các bà mẹ có thể đi bỏ phiếu sau khi làm việc.
Cô Robinson nói: "Chúng tôi may mắn có cơ hội hợp tác với công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển Lyft. Do đó điều mà chúng tôi đã làm ở đây tại thành phố Baltimore, là chúng tôi “vận chuyển” mọi người đến nơi bầu cử miễn phí, nghĩa là không còn lý do nào cho việc không bỏ phiếu”.
Tổ chức bình dân này gặp gỡ phụ nữ ở những nơi phổ biến như tại các cửa hàng, tiệm làm tóc, nhà hàng và các trường đại học.
Tại trường đại học Brightwood ở Baltimore, Maryland, các thành viên của nhóm tiếp cận các cử tri nữ trẻ đủ điều kiện, giải thích về quá trình bầu cử và tìm cách cho họ thấy sự kết nối giữa các lá phiếu và cuộc sống hàng ngày của họ.
Thí dụ, cô Robinson chỉ ra rằng những người mà các cử tri bầu vào hội đồng địa phương có thể ảnh hưởng đến phản ứng của chính phủ đối với một vụ giết người trong khu phố của họ như thế nào.
Cô Robinson cho biết: “Cho dù đó là cảnh sát tuần tra đường phố trong cộng đồng, cho dù đó là ánh đèn của họ trong công viên bên kia đường, hay cho dù có nhiều cơ hội về kinh tế cho đàn ông Mỹ gốc Phi hơn, tất cả đều gắn liền với các chính sách. Bởi vì chính trị diễn ra mỗi ngày, trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta”.
Cô Keaira Banks đang theo học tại trường Đại học Brightwood để trở thành một trợ lý y tế, chưa từng bao giờ bỏ phiếu trước đây. Cô cho biết:
“Tôi đến đây hôm nay để đăng ký bỏ phiếu và trở thành một thành viên của Black Girls Vote. Tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi”.
Bạn cùng lớp của cô là bà Keisha Addison, đang làm việc toàn thời gian và nuôi ba đứa con. Bà đã đi bỏ phiếu kể từ khi 19 tuổi. Và trong cuộc bầu cử sắp tới, bà đang cân nhắc xem ứng viên nào tốt nhất có thể giúp cho bà và cộng đồng của bà.
Bà Addison nói: “Mối quan tâm chính của tôi là giáo dục bởi vì tôi có con đang đi và tôi cũng đang đi học. Ngoài ra chúng ta cũng có một vấn đề về việc cảnh sát đối xử tàn nhẫn với những người đàn ông trẻ của chúng ta. Vì vậy, tôi mong muốn nghe xem họ cảm nhận về điều đó như thế nào và họ sẽ làm những gì về vấn đề này”.
Bà Addison xem xét đến việc tham gia vào tổ chức Black Girls Vote vì bà tin rằng phụ nữ trẻ - như cô con gái 21 tuổi của bà - nên tham gia vào chính trị nhiều hơn. Con gái của bà nói rằng cô không muốn đi bỏ phiếu.
Bà Addison cho biết: “Nó muốn có một ai đó thực sự lên tiếng cho thanh niên và quan tâm đến tiếng nói của giới trẻ. Do đó, tôi nói với nó rằng bất kể ai mà con bỏ phiếu cho họ, thì con cần phải đi bỏ phiếu. Lá phiếu của con rất quan trọng cho dù là con bầu cho ai”.
Để truyền tải thông điệp trên đến khắp cộng đồng, các thành viên của tổ chức đã sắp xếp đi dự các sự kiện trong ở địa phương... giống như một chiến dịch bầu lớp trưởng của trẻ em tại Khu vực Trẻ em, một chương trình dành cho mùa hè. Cô Robinson nói:
“Chúng ta phải dạy cho chúng từ nhỏ, khi chúng về tới nhà, chúng sẽ nói ‘Mẹ, con đã bỏ phiếu bầu lớp trưởng ngày hôm nay, không phải bầu tổng thống của Hoa Kỳ, nhưng cho chương trình Khu vực Trẻ em. Vì vậy đến tháng 11, khi nghe về bầu cử, chúng sẽ nói ‘Mẹ ơi, mẹ cũng cần phải đi bỏ phiếu’”.
Người sáng lập tổ chức, cô Nyki Robinson, nói việc dạy dỗ các thế hệ trẻ về quá trình dân chủ là rất quan trọng để giúp cho họ hiểu tại sao lá phiếu của họ quan trọng, làm thế nào để chọn ứng cử viên đại diện cho quan điểm của họ và có thể mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng của họ.