Các tổ chức dân chủ Nga sẽ gặp khó khăn sau khi USAID rời khỏi Nga

  • Jessica Golloher

Một cuộc biểu tình chống Tổng thống Putin ở St Petersburg, Nga hôm 15/9/2012, bất chấp việc chính phủ đang nỗ lực đàn áp phe đối lập

Sau khi Nga yêu cầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID đến ngày 1 tháng 10 phải đình chỉ các hoạt động và rời khỏi nước này, các tổ chức nhân quyền tại Nga nói lệnh của điện Kremlin làm tổn hại công việc của những tổ chức này.

Lệnh trục xuất được ban hành với cáo buộc của điện Kremli là USAID có hành vi ảnh hưởng đến chính trị Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ quan tâm đến việc USAID đã cố ảnh hưởng đến những cuộc bầu cử khác nhau, cộng thêm việc tài trợ cho những tổ chức xã hội dân sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn giữ lập trường là các nước ngoài, chính yếu là Hoa Kỳ, đã khuyến khích và tài trợ những cuộc biểu tình rộng lớn ông phải đối phó kể từ cuộc bầu cử Quốc hội Nga tháng 12 năm ngoái. Hoa Kỳ phủ nhận tài trợ cho các cuộc biểu tình hay có cảm tình với một chính đảng này hơn một chính đảng khác.

Bà Lilia Shibanova là giám đốc điều hành của Golos, một cơ quan theo dõi bầu cử độc lập duy nhất tại Nga. Tổ chức của bà là một trong nhiều tổ chức nhận được tài trợ của USAID và có thể phải đóng cửa trong vòng vài tuần lễ.

Bà Shibanova nói việc ra đi của USAID là một đòn giáng mạnh vào lãnh vực không thương mại của Nga, vì USAID ủng hộ mạnh mẽ những tổ chức nhân quyền, những trung tâm bảo vệ môi trường, những trung tâm tài nguyên và nhiều dự án dân sự nói chung.

Bà Shibanova cũng nói thời điểm của việc trục xuất cho thấy điện Kremli không muốn bất cứ ai theo dõi những hoạt động của họ.

Bà Shibanova nói hạn chót 1 tháng 10 chấm dứt những hoạt động của USAID nêu lên những nghi ngờ vì vào ngày 14 tháng 10 sẽ có những cuộc bầu cử rộng khắp. Bà nói tổ chức của bà tin là việc trục xuất USAID có liên hệ trực tiếp đến việc quan sát những cuộc bầu cử qua tổ chức GOLOS.

Memorial, một tổ chức nhân quyền hàng đầu nhận tài trợ của USAID cũng có thể đóng cửa, hậu quả của lệnh này.

Trong những năm 1990, USAID chú trọng đến việc giúp Nga chuyển từ một nền kinh tế do nhà nước kiểm soát sang một hệ thống thị trường tự do.

Trong thập niên qua, số tiền viện trợ giảm sút, nhưng càng ngày càng đổ vào các tổ chức nhân quyền và củng cố xã hội dân sự tại Nga. Vào năm 1995, USAID tiêu khoảng 257 triệu đô la tại Nga so với khoảng 50 triệu đô la trong năm nay.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Ba nói dù có lệnh của điện Kremli, Hoa Kỳ vẫn cam kết ủng hộ dân chủ, nhân quyền và phát triển một xã hội dân sự mạnh mẽ hơn tại Nga.

Trong một vài tháng kể từ khi ông Putin trở lại chức vụ Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, Nga đã có những cuộc đàn áp đáng kể những người bất đồng chính kiến. Các người chống đối ông Putin nói ông điều hành đất nước qua một hệ thống kiểm soát chặt chẽ và tham nhũng; những cáo buộc mà điện Kremli bác bỏ.

http://www.youtube.com/embed/L2sHQeFZmKc