Tổ chức giúp đỡ người trưởng thành bị tự kỷ sống hiệu quả hơn

  • Faiza Elmasry
Rất nhiều phụ huynh có con em bị khuyết tật lo sợ cho tương lai khi chúng trưởng thành. Sẽ có thể khó khăn cho chúng trong việc tìm việc làm hay tự sống dựa vào bản thân mình. Nhiều lúc, sự giúp đỡ xuất phát từ cộng đồng các gia đình bị ảnh hưởng bởi cùng một hoàn cảnh ấy. Tại Rockville, bang Maryland, một bà mẹ có con trai bị mắc chứng tự kỷ đã thành lập một tổ chức nhằm vận động cho khoảng 1.2 triệu người trưởng thành Mỹ mắc chứng tự kỷ, một chứng rối loạn phát triển gây khó khăn cho việc giao tiếp và sự lúng túng khi giao tiếp với xã hội.

Your browser doesn’t support HTML5

Tổ chức giúp đỡ người trưởng thành bị tự kỷ sống hiệu quả hơn


Anh Rafael Angevine bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ ba năm trước đây, khi anh 26 tuổi. Anh có thể dành hàng giờ đồng hồ để chụp ảnh. Anh nói:

“Tôi chỉ làm việc ấy cho chính mình thôi. Tôi không tìm cách dựng lên một bối cảnh hay gì cả. Tôi chỉ chụp ảnh mà thôi.”

Cha anh và mẹ anh, bà Noelie Angevine, đã khuyến khích con trai mình theo đuổi đam mê nhiếp ảnh. Bà chia sẻ:

“Những bức ảnh của con trai tôi, cái cách mà nó nhìn những món đồ vật được tìm thấy, những món đồ hết sức bình thường, và rồi có thể nhận ra được những nét đẹp đằng sau những món đồ nhân tạo và cả những vẻ đẹp của thiên nhiên đó, đối với tôi đây đã là một điều rất huyền bí rồi.”

Khi chuyên viên trị liệu tâm lý của anh Rafael kể với bà Noelie về một cuộc triển lãm nghệ thuật của những nghệ sĩ tự kỷ, bà Noelie muốn con trai mình tham gia.

Cuộc triển lãm có tên gọi ‘Through Our Eyes’ – Tạm dịch ‘Qua con mắt chúng tôi’ – do Tổ chức Tự kỷ Nhà Madison, một tổ chức phi lợi nhuận vận động cho những người trưởng thành bị tự kỷ, tài trợ.

Nhà đồng sáng lập tổ chức, bà JaLynn Prince đã đặt tên cho tổ chức này theo tên của người con trai 24 tuổi bị tự kỷ của bà, anh Madison. Bà Prince tâm sự:

"Điều khiến tôi luôn lo lắng nhất đó là khi tôi không còn có thể bên cạnh con mình nữa, ai sẽ có thể đảm bảo rằng con trai tôi sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và hữu ích.”

Tổ chức Madison vận động với giới lập pháp để cải thiện cơ hội và giảm bớt những rào cản trong việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở và công việc cho những người trưởng thành bị chứng tự kỷ. Bà Prince cho biết:

“Khía cạnh việc làm rất quan trọng bởi vì theo ước tính, có khoảng 85 phần trăm những người bị tự kỷ có thể không bao giờ có được một công việc hoàn toàn ổn đinh.”

Việc tài trợ cho buổi triển lãm ‘Through Our Eyes’ cũng cổ động cho một mục tiêu khác của tổ chức Madison: tăng cường sự thông cảm và chấp nhận trong cộng đồng. Bà Prince nói:

“Chúng ta không có đủ các bác sĩ hiểu biết về chứng tự kỷ ở người lớn để có thể điều trị những người lớn bị mắc chứng này. Chúng ta có những vấn đề về an toàn trong cộng đồng. Một bộ phận những người bị tự kỷ của chúng ta có xu hướng đi lang thang và chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ gặp phải một viên cảnh sát và viên cảnh sát đó yêu cầu họ dừng lại? Và nếu họ không dừng lại bởi vì họ không biết viên cảnh sát đó thì sao? Tình hình có thể trở nên căng thẳng trước khi có một ai đó hiểu được vấn đề người lớn bị mắc chứng tự kỷ này. Nếu không biết thì những người tự kỷ sẽ bị hiểu lầm là họ đang sử dụng ma túy hoặc đại loại như vậy.”

Cuộc triển lãm nghệ thuật bao gồm các tác phẩm của hơn 20 nghệ sĩ và được trưng bày với sự cộng tác của trường đại học Shady Grove ở bang Maryland.

Giám đốc điều hành trường đại học, ông Stewart Edelstein, nói rằng đây là một cơ hội học hỏi tuyệt vời cho những sinh viên của ông:

“Chúng tôi đang ở trong quá trình giáo dục các sinh viên của mình, những người sẽ trở thành các y tá, giáo viên, nhân viên xã hội, và họ là công dân sinh sống trong cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi làm như vậy để các sinh viên hiểu biết một cách sâu sắc hơn về những điều mà những người lớn bị tự kỷ trong cộng đồng của chúng tôi cần. Đây là điều rất quan trọng cho sự phát triển nghề nghiệp của những sinh viên.”

Bà Noelie Angevine, mẹ của anh Rafael, đồng ý rằng những sự kiện như cuộc triển lãm nghệ thuật này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho những người như con trai bà, và cho cả toàn xã hội:

“Nền kinh tế sẽ tận dụng được tài năng của những người như Rafael, thay vì đẩy họ ra ngoài đường.”

Sự kiện này đem lại cho bà Noelie niềm hy vọng rằng con trai mình sẽ tiếp tục có được một cuộc sống tốt sau này, khi bà không còn sống bên cạnh con mình nữa.