Tổ chức phi chính phủ vận động cho quyền của người lao động Vietnam Worker Defenders (VWD) có trụ sở ở California vừa kêu gọi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo xem xét mối quan hệ “chặt chẽ” giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong số nhiều yếu tố khác, khi đánh giá yêu cầu của Việt Nam được ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường của Hoa Kỳ.
Trong bức thư ngỏ gửi bà Raimondo, được công bố hôm 1/6, VWD nói rằng Việt Nam là “nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa” như được ghi trong hiến pháp của quốc gia Đông Nam Á và “không phải là một nền kinh tế thị trường dưới bất kỳ hình thức nào.”
Bộ Công Thương Việt Nam nộp đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ đánh giá lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường, mà Mỹ áp đặt cho Việt Nam hơn 20 năm qua, ngay trước khi Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội để nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9 năm ngoái. Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra quyết định vào ngày 26/7.
Việt Nam lập luận rằng họ nên được gỡ bỏ nhãn nền kinh tế phi thị trường vì những cải cách kinh tế gần đây và cho rằng việc tiếp tục áp đặt quy chế này là không tốt cho mối quan hệ song phương ngày càng gắn bó mà Washington xem là để đối trọng với Trung Quốc.
Nhưng trong bức thư gửi bà Raimondo, VWD nêu ra những yếu tố chứng tỏ Việt Nam không hội đủ điều kiện của một nền kinh tế thị trường như thiếu khả năng chuyển đổi ngoại tệ, không có thương lượng tự do về lương giữa chủ và người lao động, các hạn chế đối với liên doanh và đầu tư, sự kiểm soát của chính phủ đối với phương tiện sản xuất và phân bổ nguồn lực, và vi phạm về tiêu chuẩn lao động được quốc tế công nhận.
Đây là những yếu tố chính mà Bộ Thương mại Mỹ dựa vào để xem xét liệu một quốc gia có đạt tiêu chuẩn để trở thành nền kinh tế thị trường hay không. Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, trong bức thư gửi Bộ trưởng Raimondo hồi tháng 9/2023, nói rằng Việt Nam đáp ứng được 6 tiêu chí đó và rằng kinh tế Việt Nam “vận hành dựa trên các nguyên tắc thị trường.”
Tuy nhiên, VWD, tổ chức bao gồm các thành viên từ khắp thế giới và Việt Nam với “sứ mệnh hỗ trợ về mặt đạo đức và pháp lý cho người lao động”, đặc biệt kêu gọi bà Raimondo “xem xét mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Việt Nam với Trung Quốc” khi hai nước này tích cực tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại của họ.
“Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến ngành này có nguy cơ dính líu đến các sản phẩm từ lao động cưỡng bức,” ông Huy Nguyen, giám đốc điều hành của VWD cho biết trong bức thư, và nói rằng chính Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra cảnh báo về việc Trung Quốc sử dụng Việt Nam để lách thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.
Việt Nam vào tháng 7/2020 nói rằng họ đã kiểm soát được tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Nhưng việc Trung Quốc sử dụng Việt Nam để né thuế của Mỹ áp lên hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc cũng như sự gắn kết chặt chẽ về thương mại giữa hai quốc gia Cộng sản láng giềng vẫn là mối quan ngại được các nhà lập pháp và các công ty sản xuất tại Hoa Kỳ nêu ra khi Bộ Thương mại Mỹ xem xét cấp quy chế thị trường cho Việt Nam.
Hàng chục nhà lập pháp Mỹ đầu năm nay đã gửi thư tới bà Raimondo, trong đó nói rằng “lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư của Trung Quốc khiến nước này dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro về lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng.” Còn Liên minh các công ty sản xuất Hoa Kỳ cũng đưa ra cảnh báo tương tự, cho rằng việc nâng Việt Nam lên vị thế nền kinh tế thị trường “sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ” vì “mối liên hệ chính thức… về mặt chính trị, phòng thủ và kinh tế” của họ với Trung Quốc.
Tại phiên điều trần công khai của Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/5, mối quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đã chi phối những lập luận trong cuộc tranh luận về việc liệu Hoa Kỳ có nên trao cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường hay không.
Trong khi một cựu quan chức thương mại của chính quyền Trump cho rằng việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ kích hoạt một làn sóng nhập khẩu không công bằng từ quốc gia Đông Nam Á vốn được cho là đã trở thành phương cách để Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ, thì một luật sư đại diện cho Hà Nội nói rằng việc từ chối trao quy chế này sẽ đẩy Việt Nam đến gần Trung Quốc hơn.
VWD kêu gọi bà Raimondo đưa ra quyết định đúng đắn trước yêu cầu của Việt Nam nhằm “đảm bảo các nhà sản xuất và việc làm của Mỹ được bảo vệ, đồng thời luật thương mại của chúng ta không bị xâm phạm.”