Đinh Yên Thảo
Riêng cho VOA
"... Tôi được gặp nhà thơ Tô Thùy Yên một lần tại Houston, hôm nhà thơ Phan Xuân Sinh ra mắt cuốn sách Sống Với Thời Quá Vãng. Buổi trò chuyện tại nhà anh Sinh đến nửa đêm, trong tiếng đàn thùng của anh Ngu Yên, giọng ngâm không dứt của anh Trần Khánh Hoà, liên khúc Trần Thiện Thanh do anh Đỗ Xuân Quang từ Atlanta bắt nhịp. Anh Trần Hoài Thư, Trần Phù Thế, Lương Thư Trung, Hoàng Định Nam, Trà Nguyễn… có cả, mỗi người mỗi vẻ ngây thơ trong đôi mắt già nua bất luận. Một đêm thơ nhạc sẽ còn hoài trong ký ức những người dính líu tới con chữ ở hải ngoại.
Ngoài hiên, nhà thơ Tô Thùy Yên trò chuyện cùng tôi và Đinh Yên Thảo như những người quen gặp lại. Dù chỉ gặp lần đầu, trong chữ “Duyên” cửa Phật mà thành lấn cấn tới hôm nay. Ngồi đọc lại bài thơ “Ta về” trong tiết tháng Tư, nơi sân sau nhà vắng. Chút gió Xuân nồng nàn nhà bên cắt cỏ. Giấc mơ chiều, người nông dân chỉ mong được "về quê vỡ đất, tháng tư đi tậu trâu bò, để ta tiếp tục làm mùa tháng năm"…". (trích từ bài viết "Ta Về" của tác giả Phan)
Đó là đoản văn của anh bạn Phan (Vỉa Hè) của tôi viết ngay sau lần đầu gặp được nhà thơ Tô Thùy Yên chừng đâu 10 năm trước. Còn tôi thì trước đó gặp ông đã vài lần, tại Dallas và cả Houston, Texas. Lần đầu tại đám cưới thứ nam của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp cũng gần 20 năm trước, có đông đúc văn nghệ sĩ về tham dự khá chân tình. Vừa tiệc đám cưới lại xem như cuộc họp mặt các văn nghệ sĩ bay về bởi sự quý mến nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Tôi dẫn chương trình nên có khách quen đến đề nghị rằng, bên dưới nghe có nhà thơ Tô Thùy Yên hiện diện, hãy mời ông lên nói vài điều cho mọi người biết mặt. Ông lên sân khấu theo lời mời. Nhưng nói rất ít, hầu như chỉ chào hơn là nói điều gì đó, tôi còn nhớ vậy. Cả vài lần sau gặp lại, ông cũng chỉ là người trầm ngâm, nghe nhiều hơn nói. Chỉ có lần như nhà báo Phan viết ở trên, không hiểu tại sao ông tỏ ra vui vẻ, trò chuyện rất nhiều. Giữa buổi tiệc, tôi hỏi ông, "Anh kể về bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang đã viết như thế nào?". Như nhiều bài thơ khác của ông, đúng hơn là những trường thi hàng trăm câu của ông, "Chiều trên Phá Tam Giang" là một trong những trường thi mang tầm vóc lớn lao về cuộc chiến khốc liệt trên quê hương Việt Nam. Ông cật vấn lịch sử và chiến tranh bằng cái nhìn nhân bản trong tình dân tộc, lồng thêm thân phận con người và tình yêu tuổi trẻ giữa chiến tranh.
Ông kể đó là một ngày của mùa Hè đỏ lửa năm 1972, ông bay theo tướng Bùi Thế Lân, vị Tư Lịnh Thuỷ Quân Lục Chiến để thị sát chiến trường, trong vai trò một ký giả báo chí. Từ trực thăng nhìn xuống phá Tam Giang, hình ảnh một vị Thiếu Tá đứng giữa gió lộng, mênh mông nước trời phía dưới đã tạo cho ông một cảm xúc mãnh liệt về thân thận nhỏ bé của con người trong chiến tranh, trong không gian điêu tàn của vòng vây tử thần . Thế rồi bài thơ ra đời. Tôi đọc lại, quả thật là vậy.
"Chiếc trực thăng bay là mặt nước,
Như cơn mộng nhanh,
Phá Tam Giang, Phá Tam Giang,
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát,
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi,
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi..." (*)
Ông tiếp, ông muốn viết bài trường thi làm ba phần, về người lính trẻ Việt Nam Cộng Hòa, về người chiến binh Bắc Việt và sự cứu rỗi của tình yêu trước sự mong manh của phận người trong thời chiến. Thế là bài thơ ra đời như chúng ta đã đọc. Là người lính, một Thiếu Tá Tâm Lý Chiến, nhưng cũng là người nghệ sĩ, ông nhìn cuộc chiến đang diễn ra như một cuộc chiến ủy nhiệm huynh đệ tương tàn mà cả hai bên đều là nạn nhân của lịch sử. Cái nhìn cảm thông, độ lượng đến cả kẻ địch quân bị dẫn dụ chuyện "sinh Bắc tử Nam".
"Ta thương ta yếu hèn,
Ta thương ngươi khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường lịch sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành
Chiều trên Phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận
Chiều trên Phá Tam Giang im lìm âm cảm thông..."
Dường như đó là một đêm mưa. Cả ba chúng tôi ra hiên trước hút thuốc như Phan kể. Ông châm thuốc rồi nở nụ cười khoan thai, quay sang tôi: "Sao em không hỏi về cô gái trong bài thơ?". Tôi cười chống chế, "em muốn nghe về cả bài thơ trước". Ông kể đó là mối tình với một thiếu nữ xinh đẹp, nhà có cửa tiệm trong thương xá Tam Đa. Ông đem cuộc tình của mình viết thành cuộc tình của người lính sống chết nơi tuyến đầu, nhớ về người yêu như sự một hy vọng và cứu rỗi, tìm sự bình an ở một nơi xa xôi, trong khi người yêu là cô sinh viên bé nhỏ tuổi đôi mươi luôn canh cánh nỗi lo sợ ly biệt, mất mát.
“Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận.
…
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi,
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng,
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại…”
và
“Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh,
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nỗi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn.
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ.
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới…”
Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã chọn và viết lại thành ca khúc "Chiều Trên Phá Tam Giang" cho đoạn thơ tình yêu này, nhưng ông bảo đó không phải tứ thơ ông hài lòng nhất. Tôi bảo, ít ra nó đã mang một phần bài thơ đến với đại chúng. Ông gật đầu. Tôi không rõ ông gật đầu đồng ý hay về điều gì đó đang suy tưởng trong đầu.
Có lẽ tôi không phải là người đầu tiên hỏi ông về bài thơ và cũng có thể ông chẳng phải mẫu người dễ dàng kể lại câu chuyện tương tự ở mọi nơi. Tôi không chắc. Nhưng tôi nghĩ một con người lặng lẽ trong lời nói và ngạo mạn trong tư tưởng như ông có lẽ không cần những lý giải, phụ chú khi trở về với nơi bình yên khởi đầu. Bởi ông từng bảo rằng, làm người sao như cánh chim bay qua bầu trời, chẳng để lại dấu vết gì. Đó là cảm thức đời sống của riêng ông. Còn với chúng ta, có là cánh chim bay qua thì ông vẫn để lại những vệt dài hơn những bài thơ, bản nhạc của mình. Bởi chúng là những chứng nhân bi hùng và ngậm ngùi của một giai đoạn lịch sử dân tộc.
(22/05/2019)
Dallas, Texas
(*) Trích từ bài thơ "Chiều Trên Phá Tam Giang"