Tòa án tối cao của Châu Âu đã bác bỏ một hiệp ước chuyển giao dữ liệu 15 năm với Mỹ, phán quyết rằng hiệp ước đó không cung cấp đủ sự bảo vệ đối với quyền riêng tư cho công dân Châu Âu.
Tòa án Tư pháp Châu Âu hôm thứ Ba viết rằng thỏa thuận Điều khoản An toàn không bảo vệ dữ liệu cá nhân lưu trữ trên những máy chủ đặt ở Mỹ khỏi sự do thám khả dĩ của chính phủ Mỹ.
Thỏa thuận này được soạn thảo vào năm 2000 để cho phép hàng ngàn doanh nghiệp chuyển thông tin về những khách hàng Châu Âu về Mỹ, trong đó có những website nào mà họ truy cập và nơi nào mà họ hay tiêu tiền của mình.
Nhưng một sinh viên luật người Áo đã đệ đơn khiếu nại chống lại hiệp ước quốc tế này lên tòa án Châu Âu, nói rằng thông tin cá nhân của anh ta chuyển tới Mỹ bởi website phổ biến Facebook đã không được bảo mật đúng cách.
Các quan chức Châu Âu đang ca ngợi phán quyết của tòa án hôm thứ Ba.
"Phán quyết ngày hôm nay là một bước quan trọng hướng tới việc bảo toàn những quyền cơ bản của người Châu Âu đối với việc bảo vệ dữ liệu," Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục công tác này hướng tới một khuôn khổ mới và an toàn cho việc chuyển giao dữ liệu cá nhân xuyên Đại Tây Dương."
Nhưng Tòa Bạch Ốc nói rằng họ lo ngại phán quyết này có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
"Chúng tôi tin rằng quyết định này được dựa trên những giả định sai lầm về bảo mật dữ liệu riêng tư tại Mỹ và phán quyết không ghi nhận thích đáng những lợi ích đối với quyền riêng tư và tăng trưởng đã được cung cấp cho khung này suốt 15 năm qua," phát ngôn viên Josh Earnest nói với báo giới.
Phán quyết của tòa án Châu Âu là hệ quả từ vụ rò rỉ hai năm trước của cựu nhân viên tình báo hợp đồng người Mỹ Edward Snowden tiết lộ rằng Cơ quan An ninh Quốc gia đã do thám công dân Mỹ và công dân nước ngoài trong cuộc chiến chống khủng bố.
Những người ủng hộ quyền riêng tư coi Snowden là người hùng, nhưng chính phủ Mỹ nói rằng anh ta khiến an ninh quốc gia lâm nguy.
Snowden đào thoát đến Moscow để tránh bị bắt và bị xét xử tại Mỹ.