Trung Quốc đã thực hiện bước đầu tiên nhằm đòi tiền bồi thường từ những công ty gây ô nhiễm không khí sau khi một tòa án ở tỉnh Sơn Đông hồi tuần trước phán quyết áp đặt khoản tiền phạt chưa từng có trị giá gần 3,3 triệu đôla (22 triệu nhân dân tệ) đối với một công ty sản xuất kính địa phương vì thải khí độc hại. Tuy nhiên, những nhà vận động vì môi trường nói rằng cuộc chiến nhọc nhằn của Trung Quốc chống lại cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí quy mô lớn của nước này vẫn còn phải vượt qua một chặng đường dài.
Phán quyết đầu tiên của Trung Quốc chống lại tình trạng ô nhiễm không khí đã phát đi một cảnh báo khắp những nhà máy ở nước này để quản lý tốt hơn khí thải của mình.
Bà Đinh Khiết thuộc Trung tâm Sinh thái Vu Hồ ở tỉnh An Huy nhận định:
"Với một cách tiếp cận về mặt pháp lý, việc này đánh dấu một khởi đầu tuyệt vời cho việc theo đuổi sự khắc phục ô nhiễm để thúc đẩy đất nước kiềm chế tình trạng ô nhiễm không khí."
Bà cho rằng chiến thắng pháp lý đầu tiên này sẽ giảm bớt những khó khăn trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí của đất nước.
Theo Liên hội Môi trường Toàn Trung Hoa, là đơn vị đệ đơn kiện, tòa án hôm 20 tháng 7 phán quyết Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chấn Hoa ở tỉnh Sơn Đông phải chịu trách nhiệm sau khi thải khí thải chứa hơn 255 tấn lưu huỳnh đioxit, 589 tấn nitơ oxit và 19 tấn bụi trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2013 tới tháng 2 năm 2015, một tháng trước khi nó được ra lệnh phải đóng cửa.
Tòa án không chỉ ra lệnh buộc công ty Chấn Hoa phải trả tiền phạt cao gấp bốn lần chi phí ước tính cho việc khôi phục những thiệt hại do công ty gây ra, mà còn yêu cầu công ty xin lỗi công chúng.
Tuy nhiên, tòa án bác bỏ yêu cầu của tổ chức môi trường này đòi công ty gây ô nhiễm bồi thường chi phí kiện tụng.
Chưa rõ liệu công ty này có kháng án hay không.
Cuộc chiến chống lại không khí bẩn
Không khí bẩn ở Trung Quốc đang làm 4.000 người tử vong mỗi ngày, chiếm một trong sáu ca tử vong sớm, theo ước tính do Berkeley Earth công bố vào cuối năm ngoái. Tổ chức này nhận thấy rằng 1,6 triệu người, hay 16 phần trăm tất cả những ca tử vong ở Trung Quốc, qua đời mỗi năm do những vấn đề về tim, phổi và đột quỵ do không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là những hạt nhỏ gây khói mù.
Tác giả chính của nghiên cứu Robert Rohde kết luận rằng 38 phần trăm dân số Trung Quốc sống trong khu vực có chất lượng không khí trung bình dài hạn được phân loại là "không lành mạnh" theo tiêu chuẩn của Mỹ.
Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí bằng cách sửa đổi Luật Kiểm soát Ô nhiễm Không khí 15 năm của mình, có hiệu lực từ đầu năm nay để triển khai những công cụ pháp lý chống lại mối đe dọa này.
Trước đó, Quốc Vụ Viện vào cuối năm 2013 đã giới thiệu một kế hoạch hành động đề ra chỉ tiêu là tới năm 2017 hàm lượng hạt rất nhỏ ở khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, Đồng bằng Sông Dương Tử và Đồng bằng Châu Giang sẽ được cắt giảm 25 phần trăm, 20 phần trăm và 15 phần trăm tương ứng, trong khi cấm những nhà máy nhiệt điện than mới ở ba cụm đô thị chính.
Chiến thắng pháp lý hôm 20 tháng 7 quan trọng là vậy, song việc cắt giảm mức tiêu thụ than trong hai năm qua, đóng góp tới 80 phần trăm lượng phát thải carbon dioxide của Trung Quốc, thậm chí còn quan trọng hơn, theo lời ông Lí Thạc, cố vấn chính sách toàn cầu cao cấp về khí hậu và đại dương thuộc tổ chức Hòa bình xanh Đông Á.
Mức tiêu thụ than sụt giảm
Phân tích của Hòa bình xanh nhận thấy, sau khi có sự sụt giảm nhỏ vào năm 2014, lượng phát thải carbon dioxide của Trung Quốc đã giảm 1-2 phần trăm trong năm 2015 vì mức tiêu thụ than giảm 2-4 phần trăm và sản lượng xi măng giảm 5,3 phần trăm, một phần là do những ngành công nghiệp nặng như sắt thép và bê tông thu hẹp.
Tổ chức này nói sự suy giảm này đầy hứa hẹn và bền vững, nhưng công tác nhằm khôi phục không khí sạch hãy còn lâu mới hoàn tất, và đòi hỏi phải tăng tốc giảm phát thải cacbon đioxit.
Ông Lí Thạc nói: "Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Tôi nghĩ mọi người đều nhận thức rằng, không chỉ vì biến đổi khí hậu, mà còn vì ô nhiễm không khí, ở cấp tỉnh, chúng ta cần mức tiêu thụ than giảm nhiều hơn nữa và nhanh hơn nữa."
Tác hại của không khí bẩn
Mặc dù mức tiêu thụ than tổng thể suy giảm, một phần ba những thành phố Trung Quốc chứng kiến chỉ số PM 2,5 tăng trở lại trong nửa đầu năm nay do mức tiêu thụ than gia tăng, điều mà ông Lí của tổ chức Hòa bình xanh nói là đáng báo động. PM 2,5 đề cập đến vật chất dạng hạt (particulate matters – viết tắt là PM) tìm thấy trong không khí nhỏ hơn 2,5 micrômét đường kính và được cho là gây ra nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người.
Ông Lí cho biết giải pháp là rõ ràng: tăng tốc tiến trình chuyển tiếp năng lượng của Trung Quốc khỏi than đá và sử dụng trên quy mô lớn những nguồn năng lượng tái tạo được.
Thi hành, thi hành, thi hành
Ông Trương Tĩnh Ninh của Trung tâm Sinh thái Vu Hồ nói rằng trước khi cải cách năng lượng được khởi xướng, Trung Quốc cũng cần phải quyết liệt thi hành những biện pháp bảo vệ môi trường,
Báo cáo mới nhất của trung tâm cho thấy đa số trong số 231 lò đốt chất thải của Trung Quốc đã không công khai số liệu phát thải của mình để công chúng giám sát. Và 30 trong số 105 lò đốt đã tiết lộ đầy đủ dữ liệu được nhận thấy là đã vượt quá giới hạn an toàn nhiều lần trong quý đầu năm nay.
Ông Trương nói rằng: "Thậm chí nếu đáp ứng được giới hạn quốc gia thì lượng chất gây ô nhiễm phát ra từ những lò đốt chất thải có thể là đáng kể, bao gồm bụi, lưu huỳnh hexafluorit và nitơ oxit."