Tòa Bạch Ốc ngày 12/9 loan báo đang hành động theo yêu cầu của các nhà lập pháp Dân chủ nhằm siết chặt lỗ hổng pháp lý mà qua đó các nhà sản xuất — hầu hết là từ Trung Quốc — trốn thuế trên các mặt hàng giá rẻ và tràn ngập Hoa Kỳ bằng các sản phẩm bất hợp pháp và không an toàn.
Chính quyền Biden đang nhắm vào quy chế miễn trừ gọi là “de minimis” vốn cho phép các bưu kiện có giá trị dưới 800 đô la được miễn thuế vào Hoa Kỳ. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho biết hơn 1 tỷ bưu kiện như vậy đã vào Hoa Kỳ trong năm tài chính 2023.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc cho rằng mức tăng hơn năm lần so với vài năm trước là do sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Shein và Temu, và các quan chức chính quyền đã nêu tên cả hai nhà bán lẻ thời trang phổ biến này trong cuộc họp báo hôm 12/9.
Ông Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia về kinh tế quốc tế, cho biết những động thái siết chặt này sẽ có tác động lớn đến hàng may mặc của Trung Quốc và “sẽ giảm đáng kể số lượng lô hàng nhập khẩu thông qua quy chế miễn trừ de minimis”.
Điều này có thể cản trở khả năng của người Mỹ trong việc mua các mặt hàng như áo phông, áo lửng, hay áo ngực giá rẻ.
Ông Singh cho biết thêm rằng chính quyền cũng tìm cách thắt chặt các yêu cầu thu thập thông tin và tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng – và chặn các sản phẩm không đạt yêu cầu, Tòa Bạch Ốc đang kêu gọi Quốc hội thông qua một đạo luật trong năm nay để “cải cách toàn diện quy chế miễn trừ de minimis”.
Trong một thư ngỏ gửi hôm 11/9, tổng cộng có 126 đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã thúc giục Tổng thống Biden sử dụng quyền hành pháp của mình, viện dẫn lý do họ không thể hành động “trong bối cảnh Quốc hội trì trệ kéo dài khiến luật không được thông qua”.
Nữ dân biểu Rosa DeLauro, một trong những người lãnh đạo sáng kiến này, đã bày tỏ lo ngại về việc các mặt hàng thời trang giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức như cáo giác. Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế đã báo cáo rằng Shein, nói riêng, duy trì “các tiêu chuẩn lao động và tiêu chuẩn về nhân quyền đáng ngờ”.
Tổ chức này cho biết mô hình của Shein dựa vào việc ký hợp đồng phụ để sản xuất hàng may mặc, không có chỗ cho sự minh bạch hoặc trách nhiệm giải trình về điều kiện của người lao động và không trao cho người lao động quyền thành lập công đoàn hoặc tập hợp.
Ông Navtej Dhillon, phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cũng nói các động thái này giải quyết các mối lo ngại về các lô hàng fentanyl và sự suy giảm của ngành công nghiệp Hoa Kỳ.
“Một số công ty nước ngoài đang cố gắng sử dụng con đường này để vận chuyển các sản phẩm bất hợp pháp và nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta, né luật của chúng ta về bảo vệ sức khỏe, an toàn và bảo vệ người tiêu dùng, cũng như trốn thuế quan để làm suy yếu các nhà sản xuất của Hoa Kỳ”, ông nói. “Sản xuất hàng dệt may hỗ trợ hàng chục nghìn việc làm tại các tiểu bang quan trọng như Georgia và North Carolina. Những người lao động và nhà sản xuất Hoa Kỳ này xứng đáng được cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng”.
Bà Kim Glas, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hội đồng Các tổ chức Dệt may Quốc gia, cho biết nhóm ngành này “ủng hộ mạnh mẽ việc đóng cửa kẽ hở của quy chế de minimis”, lưu ý rằng đã đóng cửa 18 nhà máy dệt may tại Hoa Kỳ trong năm qua.
Năm ngoái, Shein cho biết họ ủng hộ “cải cách có trách nhiệm” đối với chính sách nhưng không đưa ra khuyến nghị cụ thể.
“Quy chế miễn trừ de minimis cần được thay đổi hoàn toàn để tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà bán lẻ”, Phó chủ tịch điều hành SHEIN Donald Tang nói trong một tuyên bố. “Đồng thời, người tiêu dùng Mỹ xứng đáng được biết rằng các sản phẩm họ mua là chính hãng và được sản xuất có đạo đức. Chúng tôi tin rằng cải cách quy chế de minimis có thể và nên đạt được cả hai điều đó.”