Hôm 24/4, một tòa án ở Lâm Đồng tuyên phạt ông Dương Tuấn Ngọc 7 năm tù và 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, do ông bị nhà chức trách quy là đã “nói xấu” chế độ và “xúc phạm” lãnh tụ.
Các trang báo mạng nhà nước dẫn cáo trạng tường thuật rằng từ năm 2012 đến tháng 7/2023, ông Dương Tuấn Ngọc đã tạo ra 106 bài viết, 37 video clip “có nội dung sai sự thật, bóp méo tình hình thực tế, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nói xấu chế độ Xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn cho rằng ông Ngọc “đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; xuyên tạc lịch sử; nói xấu, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh hoặc bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của đảng”.
Nhà chức trách cho rằng những việc làm này của ông “có tính chất, mức độ rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến an ninh quốc gia, gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.
Trang Công an Nhân dân của Bộ Công an cho hay ông Ngọc, người bị bắt vào tháng 7/2023, đã “thừa nhận” trước tòa về mọi hành vi vi phạm pháp luật của mình, đồng thời “bày tỏ sự ăn năn, hối cải”.
“Đây lại là một trường hợp nữa về việc chính phủ Việt Nam trừng phạt một người chỉ trích chính phủ mà ông ấy không hề làm gì hơn ngoài việc thực thi quyền tự do ngôn luận cơ bản của mình”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc và Biên tập viên cao cấp, Ban Á châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định với VOA về bản án của ông Ngọc.
“Chính phủ Việt Nam nên trả tự do cho ông Dương Tuấn Ngọc và ngừng sử dụng Điều 117 Bộ luật hình sự để bắt bớ những người kêu gọi cải cách”, bà Gossman kêu gọi.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ bình luận về phát biểu trên của HRW, nhưng chưa được trả lời.
Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau thường lên tiếng bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền của công dân luôn được đảm bảo, và chỉ bắt giam, xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.