Tòa phúc thẩm giữ nguyên luật yêu cầu TikTok thoái vốn hoặc bị cấm tại Mỹ

Văn phòng của TikTok tại Thành phố Culver, California.

Một hội đồng tòa phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ hôm 6/12 nhất trí duy trì một điều luật mà có thể dẫn đến lệnh cấm TikTok trong vài tháng tới, đánh dấu thất bại nặng nề cho nền tảng truyền thông xã hội phổ biến này khi họ đang đấu tranh để tồn tại tại Hoa Kỳ.

Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ tại thủ đô Washington đã bác bỏ đơn thỉnh cầu của TikTok nhằm lật ngược luật vừa kể — yêu cầu TikTok phải cắt đứt quan hệ với công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc là ByteDance hoặc sẽ bị cấm vào giữa tháng 1/2025 — và bác bỏ đơn kháng cáo của công ty đối với luật này, mà họ cho rằng đã vi phạm Tu chính án thứ nhất.

Ý kiến của tòa án do Thẩm phán Douglas Ginsburg viết nêu rõ: “Tu chính án thứ nhất tồn tại để bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Hoa Kỳ”. “Ở đây, Chính phủ hành động chỉ để bảo vệ quyền tự do đó khỏi một quốc gia đối địch nước ngoài và hạn chế khả năng của đối thủ đó thu thập dữ liệu về người dân tại Hoa Kỳ”.

TikTok và ByteDance — một nguyên đơn khác trong vụ kiện — dự kiến sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao, mặc dù không rõ liệu tòa án có thụ lý vụ kiện hay không.

“Tòa án Tối cao có thành tích lịch sử đã được thiết lập về việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người Mỹ và chúng tôi hy vọng họ sẽ làm như vậy đối với vấn đề hiến pháp quan trọng này”, phát ngôn viên của TikTok, Michael Hughes nói trong một tuyên bố.

“Thật không may, lệnh cấm TikTok đã được hình thành và thúc đẩy dựa trên thông tin không chính xác, sai sót và mang tính giả thuyết, dẫn đến việc kiểm duyệt hoàn toàn người dân Mỹ”, ông Hughes nói. Nếu không dừng lại, ông lập luận rằng luật này “sẽ làm im tiếng nói của hơn 170 triệu người Mỹ tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới vào ngày 19 tháng 1 năm 2025”.

Mặc dù vụ kiện đang được đưa ra xét xử tại tòa án, nhưng cũng có khả năng hai công ty này có thể được Tổng thống đắc cử Donald Trump ném cho một số loại phao cứu sinh. Ông Trump đã cố gắng cấm TikTok trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình nhưng đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng hiện ông phản đối hành động như vậy.

Luật này, được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 4 năm nay, là đỉnh điểm của một câu chuyện dài nhiều năm ở Washington về ứng dụng Tiktok mà chính phủ Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia do có liên quan đến Trung Quốc.

Hoa Kỳ cho biết họ lo ngại về việc TikTok thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng, bao gồm thông tin nhạy cảm về thói quen xem, và có thể rơi vào tay chính phủ Trung Quốc thông qua sự ép buộc. Các quan chức cũng cảnh báo thuật toán độc quyền cung cấp thông tin mà người dùng nhìn thấy trên ứng dụng này dễ bị chính quyền Trung Quốc thao túng, những người có thể sử dụng thuật toán này để định hình nội dung trên nền tảng theo cách khó phát hiện — một mối lo ngại được Liên hiệp châu Âu phản ánh vào ngày 6/12 khi họ xem xét kỹ lưỡng vai trò của ứng dụng chia sẻ video này trong cuộc bầu cử ở Romania.

TikTok, đơn vị đã kiện chính phủ về luật này vào tháng 5, từ lâu đã phủ nhận việc Bắc Kinh có thể sử dụng nó để do thám hoặc thao túng người Mỹ. Các luật sư của công ty đã chỉ ra rằng Hoa Kỳ chưa cung cấp bằng chứng chứng minh rằng công ty đã giao dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc hoặc thao túng nội dung vì lợi ích của Bắc Kinh tại Hoa Kỳ. Họ cũng lập luận rằng luật này dựa trên các rủi ro trong tương lai, mà Bộ Tư pháp đã nhấn mạnh một phần dựa vào hành động không nêu rõ mà Bộ cho là hai công ty đã thực hiện trong quá khứ do các yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc.

Phán quyết ngày 6/12 được đưa ra sau khi hội đồng tòa phúc thẩm, bao gồm hai thẩm phán do Đảng Cộng hòa và một thẩm phán do Đảng Dân chủ bổ nhiệm, đã nghe các lập luận vào tháng 9.

Vào ngày 6/12, cả ba thẩm phán đều bác bỏ đơn thỉnh cầu của TikTok.

Trong phán quyết của tòa án, ông Ginsburg, một người được Đảng Cộng hòa bổ nhiệm, đã bác bỏ các lập luận pháp lý chính của TikTok chống lại luật này, bao gồm cả việc luật này là một dự luật kết tội bất hợp pháp hoặc chiếm đoạt tài sản vi phạm Tu chính án thứ năm. Ông cũng cho biết luật này không vi phạm Tu chính án thứ nhất vì chính phủ không tìm cách “ngăn chặn nội dung hoặc yêu cầu một sự kết hợp nội dung nhất định” trên TikTok.

“Về nguyên tắc, nội dung trên nền tảng này có thể không thay đổi sau khi thoái vốn và mọi người ở Hoa Kỳ sẽ vẫn được tự do đọc và chia sẻ nhiều nội dung tuyên truyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (hoặc bất kỳ nội dung nào khác) tùy theo ý muốn trên TikTok hoặc bất kỳ nền tảng nào khác mà họ lựa chọn”, ông Ginsburg viết.

Thẩm phán Sri Srinivasan, thẩm phán trưởng của tòa án, đã đưa ra ý kiến đồng tình.

Vụ kiện của TikTok đã được hợp nhất với một vụ kiện pháp lý thứ hai do một số nhà sáng tạo nội dung đệ trình - mà công ty chi trả chi phí pháp lý - cũng như một vụ kiện thứ ba được đệ trình thay mặt cho những nhà sáng tạo bảo thủ làm việc với một tổ chức phi lợi nhuận có tên là BASED Politics. Các tổ chức khác cũng đã đệ trình các bản lý giải bổ túc ủng hộ TikTok.

Tại Điện Capitol, các nhà lập pháp thúc đẩy luật này đã ăn mừng phán quyết của tòa án.

Để xoa dịu mối lo ngại về chủ sở hữu công ty, TikTok nói họ đã đầu tư hơn 2 tỷ đô la để tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ.

Công ty cũng lập luận rằng mối quan tâm rộng hơn của chính phủ có thể đã được giải quyết trong một dự thảo thỏa thuận mà họ đã cung cấp cho chính quyền Biden hơn hai năm trước trong các cuộc đàm phán giữa hai bên. Họ đổ lỗi cho chính phủ vì đã từ bỏ các cuộc đàm phán tiếp theo về thỏa thuận, mà Bộ Tư pháp cho rằng là không đủ.

Các luật sư của hai công ty đã tuyên bố rằng không thể thoái vốn khỏi nền tảng này về mặt thương mại và công nghệ. Họ cũng cho biết bất kỳ đợt bán TikTok nào mà không có thuật toán của họ - bí quyết bí mật của nền tảng mà chính quyền Trung Quốc có thể sẽ chặn theo bất kỳ kế hoạch thoái vốn nào - sẽ biến phiên bản TikTok tại Hoa Kỳ thành một hòn đảo tách biệt khỏi nội dung toàn cầu khác.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư, bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính của ông Trump là Steven Mnuchin và tỷ phú Frank McCourt, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua nền tảng này. Cả hai người đều cho biết vào đầu năm nay rằng họ đang thành lập một tập đoàn để mua lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Hoa Kỳ.