Một tòa án ở Sóc Trăng vừa tuyên phạt ông Danh Minh Quang, một nhà hoạt động cho quyền của người bản địa Khmer Krom, 3 năm rưỡi tù với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự
Báo Sóc Trăng tường thuật phiên tòa hôm 7/2, đồng thời dẫn cáo trạng cho biết rằng ông Minh Quang có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân “để đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng”.
Từ năm 2021 đến tháng 7/2023, ông bị cáo buộc đăng tải 51 bài viết, hình ảnh “với nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương”, vẫn Báo Sóc Trăng.
Ông Trần Xa Rộng, ở Italy, phó chủ tịch thứ hai của Liên đoàn Khmer Krom (KKF), một tổ chức tranh đấu cho quyền của người bản địa Khmer Krom có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ, nói với VOA hôm 8/2 rằng ông phản đối bản án đối với ông Quang.
“Đây là hành động trả thù. Ông Danh Minh Quang chỉ đăng các tin tức sự thật, phần lớn là lên tiếng cho nhân quyền của người bản địa”.
“Đây là một tòa án trá hình. Phiên tòa không có người bào chữa. Đây là sự bất công, chèn ép người bản địa. Chúng tôi không thể chấp nhận được”.
XEM THÊM: Việt Nam bắt 3 nhà hoạt động Khmer Krom về tội ‘Lợi dụng quyền tự do, dân chủ’Trong một thông cáo hôm 7/2, tổ chức KKF lên tiếng bênh vực cho ông Danh Minh Quang và bà Đinh Thị Huỳnh, một cư dân Khmer khác bị tuyên án 2 năm tù hồi đầu tháng này với cáo buộc “không chấp hành án” (Điều 380 Bộ Luật Hình sự) do bà cố dựng chòi để cư trú sau khi chính quyền cưỡng chế nhà của bà.
“Việc tuyên án tù bất công những cá nhân này, cùng với việc họ bị giam giữ kéo dài mà không được tiếp cận luật sư bào chữa, được coi là sự vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản của họ”, thông cáo của KKF viết.
“Điều quan trọng là phải thừa nhận rằng những cá nhân này là những người ủng hộ kiên định cho cộng đồng của họ, đấu tranh không mệt mỏi cho các mục đích, chẳng hạn như chia sẻ Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) và tham gia các sự kiện như Ngày Quốc tế Phụ nữ”, KKF đưa ra đánh giá. “Thay vì ghi nhận sự cống hiến của họ, họ đã phải đối mặt với sự áp bức và đàn áp dưới bàn tay của chính quyền Việt Nam và bị khước từ quyền tự do ngôn luận và quyền tranh đấu của họ”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về thông cáo của KKF, nhưng chưa được trả lời.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay không công nhận sự hiện diện của người bản địa tại nước này, đồng thời bác bỏ các cáo buộc về vi phạm nhân quyền hay vi phạm tự do tôn giáo.
Ngay khi ông Quang và hai nhà hoạt động khác gồm ông Thạch Cương và Tô Hoàng Chương bị bắt vào tháng 7/2023 với cùng cáo buộc theo Điều 331, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ Rashad Hussain bày tỏ sự quan ngại, đồng thời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các ông ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như cho phép các nhóm xã hội dân sự được hoạt động ôn hòa mà không sợ bị trả thù.
Hồi năm ngoái, Liên minh Toàn cầu vì sự Tham gia của Công dân (CIVICUS) có trụ sở tại Nam Phi, lên tiếng nói rằng những nhà hoạt động Khmer Krom này phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, thông tin và đi lại ở Việt Nam, mặc dù người Khmer được công nhận là một trong 53 dân tộc thiểu số của đất nước.
“Chính phủ Việt Nam cấm các ấn phẩm về nhân quyền của người Khmer Krom và kiểm soát chặt chẽ việc thực hành Phật giáo Nam tông của nhóm thiểu số này, vốn coi tôn giáo này là nền tảng của văn hóa riêng biệt và bản sắc dân tộc của họ”, CIVICUS cho biết.