Tuy Điều 2 của Hiến pháp Cộng hòa XHCN Việt Nam (1) và Nghị quyết 27-NQ/TW mà BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 ban hành hồi cuối năm 2022 “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới” (2) đã giải thích thế nào là “nhà nước pháp quyền XHCN”, cũng như vì sao cần “xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới” nhưng đối chiếu cả Hiến pháp lẫn Nghị quyết 27-NQ/TW với các diễn biến liên quan đến việc xử lý scandal Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN VN) ở Hà Tĩnh lạm dụng công quyền – sử dụng công xa đón ái nữ ắt sẽ phải tự hỏi: “Tôn chỉ, mục đích” thật sự của “nhà nước pháp quyền XHCN” là gì?
***
Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa loan báo đã phạt người điều khiển công xa mang biển kiểm soát 36A-066.88 khoản tiền là 2,5 triệu đồng và tước bằng lái xe của ông này trong vòng hai tháng vì phát tín hiệu còi, đèn ưu tiên khi lái xe (3). Người điều khiển công xa có biển kiểm soát như vừa kể đã chở bà Nguyễn Thị Lệ Hà – Chủ tịch Hội LHPN VN ở Hà Tĩnh đến phi trường Vinh tọa lạc ở Nghệ An để đón ái nữ của bà Hà về quê ăn Tết và khi rời phi trường lúc 22 giờ đêm 2/2/2024 đã mở đèn chớp, hụ còi... Điều đáng nói là công xa của Hội LHPN VN ở Hà Tĩnh không nằm trong nhóm được gắn đèn chớp và còi hơi để giành quyền ưu tiên trong lưu thông nhưng công an không tính lỗi này.
Công an cũng không xem việc Chủ tịch Hội LHPN VN ở Hà Tĩnh sử dụng công xa để đón ái nữ là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” dù rõ ràng bà Hà đã cố ý làm trái công vụ và sử dụng chức vụ, quyền hạn để thủ lợi cho mình. Tuy Điều 356 của Bộ Luật Hình sự hiện hành xác định “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” gây thiệt hại tài sản từ 10 triệu đồng trở lên mới bị truy cứu cứu trách nhiệm hình sự nhưng ngoài thiệt hại hại tài sản, Điều 356 còn xác định, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” mà “gây thiệt hại khác đến lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (4).
Có thể hành vi lạm quyền của bà Hà (chỉ đạo tài xế dùng công xa đi đón ái nữ) không gây thiệt hại về tài sản đến mười triệu đồng nhưng cứ xem phản ứng của công chúng đối với scandal này ắt sẽ thấy, thiệt hại về uy tín cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lớn đến mức là không thể lượng định được.
Bà Hà chỉ là người gây ra scandal mới nhất về lạm quyền trong sử dụng công xa. Tại Việt Nam, lạm quyền trong sử dụng công xa là căn bệnh trầm kha nhưng “nhà nước pháp quyền XHCN” không muốn trị tuyệt căn, bằng chứng là chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự hay bị xử lý hành chính ở mức cao nhất là cách chức. Văn bản quy phạm pháp luật mới nhất liên quan đến công xa ban hành hồi tháng 9/2023 chỉ đề cập đến “tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô” mà nội dung chủ yếu chỉ là quy định viên chức cấp nào thì được sắm, dùng công xa giá bao nhiêu, dùng như thế nào (5)... Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có “nghiêm cấm sử dụng trái phép tài sản công” (6) nhưng khác gì cho... có!
Cứ thử đọc các văn bản quy phạm pháp luật theo những đường dẫn đặt bên dưới bài viết này rồi đối chiếu với thực tế như đã biết và đang thấy ắt sẽ nhận ra “nhà nước pháp quyền XHCN” tạo điều kiện tối đa cho các đồng chí của họ hưởng thụ, kể cả hưởng thụ theo lối càn rỡ nhất. Bởi điều đó trở thành đương nhiên từ trên xuống dưới, từ trái sang phải nên Hội LHPN VN ở tỉnh Hà Tĩnh mới dám gắn đèn chớp, còi hụ lên công xa dù làm như thế là trái phép. Bởi điều này là đương nhiên nên bà Chủ tịch Hội LHPN VN ở Hà Tĩnh mới thản nhiên biện bạch “đã yêu cầu gỡ”, dù thuộc cấp không chấp hành, không những không bận tâm mà bà còn thản nhiên hưởng dụng thứ tiện ích trái phép ấy!
Cũng vì hưởng thụ là đương nhiên, kể cả hưởng thụ theo lối càn rỡ nhất nên sau khi lạm quyền trong sử dụng công xa trở thành scandal, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mới điềm nhiên bảo rằng: “Về việc xe công vụ lắp còi, đèn ưu tiên, tỉnh đang giao công an xem xét. Sở ban ngành, địa phương nào sử dụng sai sẽ thu hồi, chấn chỉnh” (7)... và lúc xử lý tài xế của bà Hà, công an không xem chuyện gắn đèn chớp, còi hụ là lỗi để truy cứu trách nhiệm người đã đưa ra chủ trương trái phép này. Rồi bởi hưởng thụ là đương nhiên, kể cả hưởng thụ theo lối càn rỡ nhất nên mới có chuyện một phóng viên bị phạt... bốn triệu đồng vì dám liên hệ với bà Hà để phỏng vấn.
Nhiều người thắc mắc vì sao Luật Báo chí cho phép nhà báo “được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật” và “nhà nước bảo hộ” hoạt động của báo chí, nhà báo nhưng khi phóng viên của tạp chí Công Nghiệp Môi Trường – một trong những người trực tiếp chứng kiến công xa chở bà Hà rời phi trường sau khi đón con gái mở đèn chớp, hụ còi – đến trụ sở Hội LHPN VN tỉnh Hà Tĩnh để phỏng vấn bà Hà theo lời mời của bà thì chỉ có... “lực lượng chức năng” đón và áp giải về “cơ quan chức năng” để thẩm vấn và lập biên bản, xử phạt do “tự ý liên hệ hoạt động báo chí”? Điều đó có khác gì xác nhận Luật Báo chí chỉ là... giấy lộn.
Với “nhà nước pháp quyền XHCN” tại Việt Nam, không chỉ có Luật Báo chí là... giấy lộn. Đó cũng là lý do phóng viên bị phạt, tạp chí Công Nghiệp Môi Trường, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan truyền thông chính thức khác cùng... câm như hến. Trong số 867 cơ quan truyền thông chính thức, chỉ có tờ Tuổi Trẻ tường thuật chuyện “phóng viên tìm hiểu xe biển xanh lắp đèn, còi ưu tiên đón người thân ở sân bay bị xử phạt” nhưng không dám nêu chính kiến (9). Vì sao? Có thể vì “báo chí cách mạng” hiểu “tôn chỉ, mục đích” của “nhà nước pháp quyền XHCN” hơn thường dân! Dưới ách của nhà nước ấy “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” hoàn toàn... “hữu danh, vô thực”!
Chú thích
(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx
(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx
(7) https://vnexpress.net/xe-bien-xanh-don-con-gai-chu-tich-hoi-phu-nu-tai-san-bay-4709919.html
(8) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-Bao-chi-2016-280645.aspx