Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm thứ Bảy nói việc khai trừ Giáo sư Chu Hảo khỏi Đảng là một biện pháp cần thiết để chống lại quá trình “tự diễn biến, tự chuyển hóa” gây nguy hại cho an ninh chính trị đất nước, và rằng hình thức kỉ luật này là để “cứu muôn người.”
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tuần trước loan báo hình thức kỉ luật khai trừ khỏi Đảng đối với ông Chu Hảo, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, vì ông bị cho là có hành vi chống đối, thách thức sau khi được Ủy ban nhắc nhở, kiểm điểm về một kết luận của họ trước đó nói rằng ông đã cho xuất bản một số sách “có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.”
Kết luận đó khơi ra một tuyên bố từ bỏ Đảng của ông vào cuối tháng 10. Ông Chu Hảo, người cũng từng là thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nói rằng tổ chức chính trị mà ông từng là thành viên “không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại."
Ông Trọng, trong buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hôm thứ Bảy, chỉ trích điều mà ông nói là “những biểu hiện suy thoái, biến chất” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và kêu gọi chú trọng đến việc giữ gìn an ninh chính trị đất nước “vô cùng hệ trọng.”
“Vừa rồi, trường hợp ông Chu Hảo bị xử lí kỉ luật khai trừ khỏi Đảng, không phải là do tham nhũng, mà quá trình ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ trong mỗi con người đã biến mình thành con người khác lúc nào không biết, lái hướng chúng ta đi, vô cùng phức tạp,” ông được dẫn lời phát biểu.
“Bây giờ có tình trạng, về cơ bản là tốt, nhưng không phải không có người cậy mình có ít chút công lao (như ngày xưa Bác Hồ đã nói), sinh ra kiêu ngạo, muốn nói thì nói, muốn phán gì thì phán, nói trái điều lệ, trái cương lĩnh, trái Hiến pháp, đi tuyên truyền này khác, thế có còn là đảng viên không?”
Tổng bí thư được dẫn lời nói thêm:
“Bất cứ ai suy thoái đều phải giáo dục phải uốn nắn, kỉ luật một vài người để cứu muôn người, để người khác không phạm vào nữa, đừng cậy mình thế này thế nọ, công thần, phê phán hết cái nọ cái kia, suy thoái chính trị nguy hiểm hơn suy thoái kinh tế.”
Những phát biểu của ông Trọng không gây nhiều ngạc nhiên đối với một nhà lãnh đạo Đảng vốn bị nhiều người phê phán là nặng về giáo điều. Trên mạng xã hội, những phát biểu này nhanh chóng khơi ra nhiều chỉ trích.
“[Tổng bí thư] quên mất nguyên tắc phê bình và tự phê bình rồi sao. Khi có quá nhiều sai lầm và thối nát thì càng phải lên tiếng. Sao lại bắt Đảng viên câm miệng như vậy là trái với quy tắc của Đảng rồi,” một người dùng Facebook tên Ga Xe Phay bình luận dưới một post của trang Nhật ký yêu nước.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói từ 2005 đến 2009, ông Chu Hảo đã xuất bản năm cuốn sách bị chính quyền cấm phát hành.
Trong một bài viết đăng trên website của Ủy ban giải thích quyết định đề nghị kỉ luật ông Chu Hảo, Ủy ban đưa ra một số ví dụ như cuốn "Karl Marx" của Peter Singer bị nói là có những “nhận xét sai lầm về học thuật, phủ định những nội dung tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Marx.” Hay cuốn "Ông Sáu Dân trong lòng dân" cho thấy nhà xuất bản có "dấu hiệu khuynh hướng tập hợp những bài viết về những người có quan điểm khác với chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm ‘gợi ý,’ ‘gợi mở’ một hướng đi khác, cách nhìn khác không có lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước."
Trong một bức thư ngỏ gửi cho ông Trọng, một nhóm 81 học giả và các nhà nghiên cứu từ 10 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ ông Chu Hảo và bày tỏ lo ngại về việc nhà chức trách Việt Nam ngăn cấm xuất bản những tác phẩm học thuật mà họ nói là “nền tảng của nghiên cứu và tư duy hiện đại trong ngành khoa học xã hội và nhân văn.”
“Là các nhà nghiên cứu và nhà giáo dục từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi bác bỏ bất kì khẳng định nào cho rằng những tác phẩm này là mối đe dọa cho sự phát triển ổn định hoặc hòa bình của Việt Nam,” họ viết.
Hưởng ứng trào lưu thoái Đảng sau quyết định từ bỏ đảng của ông Chu Hảo, hàng chục đảng viên kì cựu khác cũng tuyên bố từ bỏ Đảng trong tháng qua.