​Tổng cộng 66 năm tù cho Hội anh em Dân chủ vì tội 'lật đổ chính quyền'

Sáu nhà hoạt động của Hội Anh em Dân chủ, trong đó có Luật sư Nguyễn Văn Đài, bị tuyên án tổng cộng lên tới 66 năm tù về tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Một tòa án ở Hà Nội ra các bản án này vào tối muộn hôm 5/4.

Theo bản án tuyên vào lúc 7 giờ tối giờ địa phương được Luật sư Nguyễn Văn Miếng chép tay đăng trên trang Facebook của Hội anh em Dân chủ, Luật sư Nguyễn văn Đài nhận mức án nặng nhất trong số 6 người bị xét xử: 15 năm tù giam và 5 năm quản chế.

LS Đài, 48 tuổi, là một trong những người sáng lập ra Hội Anh em Dân chủ, một mạng lưới hoạt động với khoảng 80 thành viên trên khắp nước, theo AFP.

Việc họ cố ý chuyển tội danh lên điều 79 là tội 'âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân' là mục đích đàn án.
Trịnh Bá Phương, nhà đấu tranh cho quyền đất đai

Mục sư Nguyễn Trung Tôn và nhà báo tự do Trương Minh Đức đều bị tuyên bản án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Blogger Nguyễn Bắc Truyển bị kết án 11 năm tù trong khi Lê Thu Hà, cộng sự của Luật sư Đài, nhận bản án 9 năm tù. Kỹ sư Phạm Văn Trội nhận mức án thấp nhất với 7 năm tù giam.

Nói với VOA-Việt ngữ, anh Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động dân chủ cho quyền đất đai ở Hà Đông, nói trước đây 4 nhà hoạt động này đã bị khép vào tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của Bộ luật hình sự, tuy nhiên sau đó bị chuyển sang tội danh âm mưu lật đổ chính quyền theo điều 79 của Bộ luật Hình sự.

“Việc họ cố ý chuyển tội danh lên điều 79 là tội 'âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân' là mục đích đàn án," theo anh Phương. "Ngay từ thời điểm chuyển tội danh là họ sẽ có những bản án rất nặng nề giành cho các thành viên của Hội Anh em Dân chủ.”

Các nhà tranh đấu Lê Thu Hà, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển.

Anh Trịnh Bá Phương cho rằng mặc dù điều 79 có mức án cao nhất là tử hình, nhưng chế độ Cộng sản “không đủ tự tin để đưa ra bản án tử hình” giữa lúc họ “không còn nhiều lựa chọn” dưới áp lực gần đây của các tổ chức quốc tế, Liên Hiệp Quốc cùng các tổ chức nhân quyền, và trong bối cảnh “đang có hàng chục triệu người dân bất bình với cách cai trị của Đảng Cộng sản.”

Phiên tòa diễn ra giữa lúc các biện pháp an ninh được siết chặt. Cảnh sát phong tỏa một khu vực trong phạm vi bán kính 1km và người dân không được tham dự. Theo anh Phương, một đại diện sứ quán Thụy Điển cho anh biết bà và những đại diện các sứ quán khác được vào 1 phòng riêng trong khu vực tòa án có màn hình để theo dõi phiên xét xử.

Trước đó cảnh sát mặc thường phục đã bắt giữ ít nhất 17 người tham gia biểu tình phản đối phiên tòa xét xử tại Hà Nội vào sáng sớm cùng ngày.

Anh Phương cho biết mẹ anh, bà Cấn Thị Thêu – một người tranh đấu cho quyền đất đai vừa kết thúc án tù lần 2 – và em trai anh, Trịnh Bá Tư, nằm trong số 13 người cùng đi bị bắt giữ sáng ngày 5/4.

Anh Phương không thể tham gia tuần hành với những người “dân oan” làng Dương Nội, Hà Đông, để “góp phần đồng hành cùng các nhà đấu tranh dân chủ” vì luôn bị theo dõi và cản trở. Anh cho biết có thêm 4 người bị cảnh sát bắt giữ sau đó trong ngày.

Anh Phương thuật lại với VOA rằng một phóng viên của AFP cho biết đã bị công an cản trở tác nghiệp khi tới quay phim, chụp ảnh và hỏi chuyện nhóm người biểu tình.

Sáng sớm ngày 5/4, anh Trịnh Bá Tư tường trình trực tiếp những hình ảnh của nhóm người tuần hành tới một tòa án ở Hà Nội, nơi diễn ra phiên xét xử 4 thành viên của Hội Anh em Dân chủ, lên Facebook tuy nhiên không lâu sau đó, anh bị cảnh sát bắt giữ.

“Ngay sau khi phát live đó thì vài phút sau đang quay phải dừng lại và họ bắt luôn," anh Phương nói với VOA. "Đến giờ chưa biết là đang bị giam giữ ở đồn nào. Bị cắt tất cả mọi liên lạc nên gia đình không ai biết là đang bị giữ ở đâu.”

Trong phần tường trình trực tiếp trên Facebook của Trịnh Bá Tư, nhóm người tuần hành giương các biểu ngữ ghi các dòng chữ “Công lý cho Hội Anh em Dân chủ” hay “Dân chủ không phải là tội”. Đám người tuần hành đòi trả tự do cho các nhà hoạt động khác bị xét xử.

Trước đó 1 ngày, các tổ chức nhân quyền quốc tế và cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam hãy hủy bỏ mọi cáo trạng đối với 6 nhà hoạt động này.

​Trước khi tòa tuyên án, một số nhà hoạt động từng bị giam cầm đã đưa lên mạng những bình luận về bản án đối với các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ.

Cô Phạm Thanh Nghiên viết: “Dù bản án hôm nay có thế nào, thì các anh chị vẫn luôn là người chiến thắng. Những người vì dân tộc mà tranh đấu, những người vì chính nghĩa và tự do mà tranh đấu sẽ không bao giờ thất bại. Dân chủ không phải là tội.”

Các blogger, luật sư và các nhà hoạt động thường xuyên bị giam cầm vì những những ý kiến chỉ trích Đảng Cộng sản và các chính sách của chính quyền. Theo thống kê của Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra trong tuần này, hiện có 97 tù nhân chính trị đang bị giam giữ ở Việt Nam.

Tuy nhiên Việt Nam bác bỏ điều này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho phóng viên biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 5/4 tại Hà Nội rằng Việt Nam không có cái gọi là "tù nhân lương tâm" và không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ, theo VTC News.