Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/9 đã ca ngợi việc Mỹ-Việt thiết lập quan hệ ở mức cao nhất là hình mẫu của việc ‘kẻ thù trở thành đối tác’.
Ông phát biểu trước lãnh đạo và đại biểu các nước tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York rằng ‘không ai có thể ngờ có ngày Mỹ-Việt thiết lập quan hệ ở cấp độ cao nhất’.
Chính Tổng thống Biden đã cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố đưa quan hệ hai nước lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện hôm 10/9 ở Hà Nội.
“Khoảng một tuần trước tôi đang ở phía bên kia thế giới, đó là Việt Nam, mảnh đất từng đẫm máu chiến tranh,” ông nói. “Và tôi đã gặp một vài cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam, và tôi đã chứng kiến họ trao đổi các kỷ vật của họ từ cuộc chiến đó – thẻ căn cước và một cuốn nhật ký.”
Ông Biden đề cập đến cuộc gặp ngắn ngủi của ông với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Tòa nhà Quốc hội Việt Nam mà khi đó hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến các cựu binh hai nước trao đổi kỷ vật chiến tranh.
“Thật xúc động khi thấy phản ứng của những cựu binh Việt và Mỹ,” ông nói.
“Đó là kết quả của 50 năm nỗ lực từ cả hai phía để giải quyết những di sản đau đớn của chiến tranh và để lựa chọn - chọn làm việc cùng nhau hướng tới hòa bình và tương lai tốt đẹp hơn,” Tổng thống Mỹ khẳng định.
Khi thiết lập quan hệ cao nhất với Mỹ, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra phương châm 16 chữ là ‘khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai’.
Mỹ và Đảng Cộng sản Việt Nam từng là kẻ thù ý thức hệ trong một cuộc chiến đẫm máu trước năm 1975 và sau đó là hàng chục năm Hà Nội bị Washington cấm vận cho đến khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
“Không có gì trong hành trình này là không thể tránh khỏi. Trong hàng chục năm qua, không ai có thể hình dung được một tổng thống Mỹ đứng ở Hà Nội bên cạnh một lãnh đạo Việt Nam và tuyên bố hai bên cùng cam kết thiết lập quan hệ quốc gia ở cấp độ cao nhất,” Tổng thống Biden nói với lãnh đạo các nước tề tựu tại New York.
“Nhưng đó là lời nhắc nhở hết sức thuyết phục rằng quá khứ không nhất thiết quyết định tương lai,” ông khẳng định.
Ông nói thêm rằng với sự phối hợp của giới lãnh đạo và nỗ lực thận trọng, ‘kẻ thù có thể trở thành đối tác, những thách thức trùng trùng có thể được vượt qua và những vết thương sâu có thể hàn gắn lại’.
“Bởi vậy, đừng bao giờ quên điều đó. Khi chúng ta chọn đứng cùng nhau và nhận ra những hy vọng chung ràng buộc toàn nhân loại, chúng ta nắm trong tay sức mạnh – và với sức mạnh đó sẽ thay đổi lịch sử,” ông nói.
Ông Biden cho rằng trên cương vị tổng thống Hoa Kỳ, ông ‘hiểu sứ mạng mà đất nước tôi phải lãnh đạo trong thời khắc quan trọng này’. Theo đó, ông nói Mỹ sẽ hợp tác với các nước ở mọi khu vực để liên kết họ trong lý tưởng chung; hòa cùng các đối tác có chung tầm nhìn về tương lai của thế giới.
Tầm nhìn đó là một thế giới mà ‘nơi con em chúng ta không bị đói và mọi người đều được chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, nơi người lao động được trao cho sức mạnh và môi trường của chúng ta được bảo vệ, nơi các doanh nghiệp và những nhà đổi mới ở khắp mọi nơi có thể tiếp cận cơ hội, nơi xung đột được giải quyết một cách hòa bình và các nước có thể vạch ra hướng đi của riêng mình’.
“Mỹ muốn xây dựng một thế giới an toàn hơn, thịnh vượng hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người bởi vì chúng tôi biết tương lai của chúng tôi gắn liền với tương lai của quý vị. Cho phép tôi nhắc lại lần nữa: Chúng tôi biết rằng tương lai của chúng tôi gắn liền với tương lai của quý vị,” ông Biden nói.
“Và không một quốc gia nào có thể đơn độc đương đầu với những thách thức của ngày hôm nay.”
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, hiện đang có mặt ở thủ đô Washington D.C., dự kiến cũng sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.