Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Ba cho biết ông sẽ “sớm” đi thăm Việt Nam vì nước này muốn nâng tầm quan hệ với Mỹ và trở thành một đối tác chủ chốt.
Ông Biden nói như vậy khi phát biểu tại một sự kiện gây quỹ chính trị ở thành phố Albuquerque thuộc bang New Mexico.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Biden, một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết "không có gì để chia sẻ thêm vào thời điểm này."
Tại một cuộc hội kiến hồi tháng 4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ khi Washington tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác ở Châu Á để đối chọi một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Ông Blinken bày tỏ hi vọng rằng điều này có thể xảy ra "trong những tuần và tháng tới."
Washington đang nỗ lực nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên mức đối tác "chiến lược" từ mức "toàn diện" vốn kéo dài một thập niên qua, dù Việt Nam tỏ ra thận trọng vì nguy cơ làm mất lòng Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ mà Việt Nam có quan hệ thân thiết, hoặc Nga, một đối tác truyền thống khác.
Ông Biden phát biểu tại sự kiện gây quỹ ở Maine vào ngày 28 tháng 7 rằng ông đã nhận được một cuộc gọi từ "người đứng đầu Việt Nam", người mà "rất muốn gặp tôi khi tôi tới G20," nhắc đến kế hoạch tới Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm này sẽ được tổ chức tại New Delhi vào ngày 9 và 10 tháng 9.
“Ông ấy muốn nâng tầm quan hệ với chúng tôi lên thành một đối tác chủ chốt, cùng với Nga và Trung Quốc,” ông Biden nói sau đó. Các nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo này là Tổng bí thư Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người mà tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm hồi tháng 3.
Các quan chức chưa cho biết mối quan hệ gần gũi hơn có thể bao gồm những gì, nhưng các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể có tăng cường hợp tác quân sự và cung cấp vũ khí.
Washington và các công ty quốc phòng của Mỹ đã công khai nói rằng họ muốn tăng cường cung cấp trang thiết bị quân sự cho Việt Nam - cho đến nay phần lớn chỉ giới hạn ở các tàu bảo vệ bờ biển và máy bay huấn luyện – trong khi nước này tìm cách đa dạng hóa khỏi Nga, hiện vẫn là nhà cung cấp chính của Việt Nam.
Tuy nhiên, các thỏa thuận quân sự với Mỹ đối mặt với những chướng ngại tiềm năng, bao gồm khả năng chúng bị cản trở bởi các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.