Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/2 quy trách nhiệm cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về cái chết của lãnh đạo phe đối lập ở Nga, Alexey Navalny, và cảnh cáo sẽ có hậu quả.
Tổng thống Biden nói ông ‘không ngạc nhiên’ nhưng ‘phẫn nộ’ trước sự ra đi của ông Navalny.
“Chúng ta không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra, nhưng chắc chắn rằng cái chết của ông Nalvany là hậu quả của những việc mà ông Putin và bộ sậu côn đồ của ông ấy đã làm”, Tổng thống Biden phát biểu tại Tòa Bạch Ốc sau khi các quan chức nhà tù Nga loan báo cái chết của ông Navalny.
“Chính quyền Nga sẽ biện minh theo cách của họ,” ông Biden nói. “Nhưng chắc chắn là, chắc chắn là Putin phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Navalny.”
Tổng thống Mỹ nói ông đang tính các bước bổ sung để trừng phạt Nga sau cái chết của ông Navalny.
Ông Biden cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với lãnh đạo phe đối lập Nga vì đã ‘dũng cảm’ đứng lên chống lại ‘tham nhũng’ và ‘bạo lực’ của chính phủ Putin.
“Chúng tôi đang cân nhắc xem có thể làm gì nữa,” ông Biden đáp câu hỏi của phóng viên. “Chúng tôi đang xem xét rất nhiều phương án, đó là tất cả những gì tôi có thể nói lúc này.”
Vẫn theo lời ông Biden, “không có mối đe dọa hạt nhân nào đối với người dân Mỹ hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới với những gì Nga đang làm vào lúc này,” ngay cả khi Nga đang cân nhắc triển khai công nghệ chống vệ tinh trong không gian. Nga trước đây đã bác bỏ cáo buộc này.
Tòa Bạch Ốc không trả lời yêu cầu bình luận về những biện pháp chống lại Nga đang được xem xét.
Các quan chức Mỹ đang tìm kiếm thêm thông tin về cái chết của ông Navalny tại trại giam của Nga ở phía bắc Vòng Bắc Cực Ông bị đưa tới đây chưa đầy hai tháng.
Nhưng diễn biến này và phản ứng của ông Biden đã khiến mối quan hệ Mỹ-Nga vốn căng thẳng càng thêm lạnh giá.
Ông Navalny, 47 tuổi, là tiếng nói chỉ trích ông Putin hàng đầu. Tổng thống Biden từng tuyên bố sau khi gặp Tổng thống Putin ở Geneva vào tháng 6 năm 2021 rằng cái chết của ông Nalvany sẽ có nguy cơ gây ra hậu quả nặng nề cho ông Putin.
Ông Biden và ông Putin đối nghịch sâu sắc về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine mà qua đó Nga đã bị Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây trừng phạt.
Tổng thống Biden đang thúc giục những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Hoa Kỳ hỗ trợ thêm kinh phí để mua thêm nhiều vũ khí cho quân đội Ukraine.
Nga cũng là chủ đề gây chú ý trên con đường tranh cử trong lúc ông Biden đang tìm cách tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.
Đối thủ dự kiến của ông Biden bên Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump, tuần trước khiến lưỡng đảng phẫn nộ khi nói rằng ông sẽ không làm gì để bảo vệ các đồng minh NATO trước Nga trừ phi họ chịu chi thêm cho công cuộc phòng thủ chung.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Mike Johnson, thuộc đảng Cộng hòa, đã không đưa dự luật của Thượng viện ra biểu quyết tại Hạ viện. Dự luật đó bao gồm 95,34 tỷ đô la hỗ trợ an ninh cho Ukraine và Israel, viện trợ nhân đạo quốc tế, và các nguồn lực để giúp các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sau cái chết của ông Navalny, ông Johnson kêu gọi Mỹ và các đồng minh nên sử dụng “mọi phương tiện sẵn có để cắt đứt khả năng của Putin tài trợ cho cuộc chiến vô cớ ở Ukraine và hành động gây hấn chống lại các nước Baltic.”
“Lịch sử đang dõi theo Hạ viện. Lịch sử sẽ không bao giờ quên việc không hỗ trợ Ukraine vào thời điểm quan trọng này,” Tổng thống Biden nói.
Có mặt tại Munich để tham dự một hội nghị an ninh, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ rút lui khỏi các nghĩa vụ của liên minh NATO vốn được đặt ra sau Thế chiến thứ hai, nêu bật sự tương phản giữa cách tiếp cận của Tổng thống Biden trong việc can dự toàn cầu với quan điểm theo chủ nghĩa biệt lập của ông Trump, ứng viên tiềm năng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay tại Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ cũng đã gặp bà Yulia, vợ của ông Navalny, bên lề hội nghị và ‘bày tỏ sự đau buồn cũng như phẫn nộ’ trước tin ông Navalny ra đi, một quan chức Tòa Bạch Ốc cho hay.