Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 15/8 đã đề nghị thành lập một cơ quan tư vấn cấp độ làm việc với Triều Tiên để thảo luận về các cách giảm căng thẳng và nối lại hợp tác kinh tế trong bài diễn văn trình bày tầm nhìn về con đường thống nhất hai miền Triều Tiên.
Trong bài diễn văn nhân Ngày Giải phóng Dân tộc đánh dấu kỷ niệm 79 năm giành được độc lập khỏi ách thống trị của Nhật Bản từ năm 1910 đến năm 1945 sau Đệ nhị Thế chiến, Tổng thống Yoon cho biết ông sẵn sàng bắt đầu hợp tác chính trị và hợp tác kinh tế nếu Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa ‘dù chỉ một bước’.
Ông Yoon thông qua bài diễn văn để công bố đề cương cho việc thống nhất và đưa ra cách tiếp cận mới đối với Bình Nhưỡng, sau đề nghị gần đây của chính phủ ông là đưa hàng cứu trợ lũ lụt cho Triều Tiên mà ông cho biết đã bị Bình Nhưỡng từ chối.
Nhưng bán đảo Triều Tiên thống nhất dường như là viễn cảnh xa vời với mối quan hệ giữa hai miền đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trong lúc Triều Tiên đang chạy đua để thúc đẩy năng lực hạt nhân và tên lửa của mình và thực hiện các bước để cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc, xác định lại Seoul là một nước thù địch riêng biệt.
Vào đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gọi Hàn Quốc là ‘kẻ thù cơ bản’ và nói rằng việc thống nhất không còn là khả thi nữa.
Ông Yoon cho biết việc thành lập ‘nhóm công tác liên Triều’ có thể giúp giảm căng thẳng và xử lý bất kỳ vấn đề nào, từ hợp tác kinh tế đến giao lưu nhân dân đến đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
“Đối thoại và hợp tác có thể mang lại tiến bộ thực chất trong quan hệ liên Triều,” ông cho biết.
Trong bài diễn văn, ông Yoon cũng nêu ý tưởng mở một hội nghị quốc tế về nhân quyền của Triều Tiên và một quỹ để thúc đẩy nhận thức toàn cầu về vấn đề này, hỗ trợ các nhóm hoạt động và mở rộng khả năng người dân Triều Tiên tiếp cận thông tin bên ngoài.
“Nếu nhiều người dân Triều Tiên nhận ra rằng thống nhất thông qua tự do là cách duy nhất để cải thiện cuộc sống của họ và tin rằng một nước Đại Hàn Dân quốc thống nhất sẽ đón nhận họ, họ sẽ trở thành một lực lượng mạnh mẽ, thân thiện đối với thống nhất đất nước trên cơ sở tự do,” ông nói.
Ông Yang Moo-jin, chủ tịch Đại học Nghiên cứu về Bắc Triều Tiên ở Seoul, cho biết Triều Tiên có thể coi kế hoạch của Seoul nhằm thúc đẩy nhân quyền và tiếp cận thông tin bên ngoài trong khi đưa hàng viện trợ và đàm phán là mâu thuẫn nhau và là mối đe dọa đối với chế độ của ông Kim.
“Những kế hoạch nhìn bề ngoài thì có vẻ tốt, nhưng từ quan điểm của Bình Nhưỡng, chúng không gì khác hơn là chương trình góp phần lật đổ chế độ,” ông Yang nói.
“Chúng tôi không thể lạc quan về họ (Triều Tiên) sẽ phản ứng lúc nào và ra sao,” một quan chức Hàn Quốc nói với các phóng viên, đồng thời lưu ý rằng một cơ quan tư vấn cấp độ làm việc sẽ không đột nhiên yêu cầu các nhà lãnh đạo gặp gỡ và bắt tay mà không có tiến bộ thực chất.