Giới hạn trần nợ của Mỹ
Giới hạn trần nợ của Mỹ- Là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý hiện thời.
- Những nghĩa vụ này gồm An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại.
- Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới.
- Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý
-Từ năm 1960, Quốc hội đã nâng giới hạn trần nợ 78 lần.
Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ
Hoa Kỳ phải nâng mức trần nợ trước ngày 17 tháng 10 hầu có thể trả các khoản nợ hiện hữu. Phe Cộng Hòa, đảng chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ, đã đưa ra dấu hiệu cho thấy họ có thể sẽ không chấp thuận việc tăng mức trần nợ, bất chấp những khuyến cáo của giới lãnh đạo kinh tế và tài chính thế giới về những hậu quả vô cùng tai hại của sự vỡ nợ của Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner hôm qua lại một lần nữa, bênh vực lập trường của phe Cộng Hòa.
“Chúng ta không thể nâng mức trần nợ mà không làm gì về điều đã đẩy chúng ta tới chỗ phải vay thêm nợ và tiêu xài quá khả năng tài chính của chúng ta. Ý kiến cho rằng chúng ta nên tiếp tục tiêu tiền mà chúng ta không có, rồi giao lại món nợ ấy cho đời con, đời cháu chúng ta là một ý kiến sai lầm.”
Hôm thứ Ba, Tổng Thống Obama một lần nữa bác bỏ lời tố cáo đó. Ông nói rằng ông sẵn sàng thảo luận với các thành viên Đảng Cộng Hòa, nhưng sẽ không làm như thế trước khi họ cho phép tiến hành một cuộc biểu quyết mà theo ông sẽ chấm dứt vụ đóng cửa chính phủ từng phần.
Tổng thống Obama nói các nhà lập pháp không thể “đòi tiền chuộc” để làm công việc của họ.
“Hai trong những công việc cơ bản của họ là thông qua ngân sách, và bảo đảm Hoa Kỳ thanh toán tiền bạc sòng phẳng. Họ không thể nói “chúng tôi sẽ tạo ra một cuộc suy thoái kinh tế, trừ phi các anh cho chúng tôi những gì mà cử tri đã bác trong cuộc bầu cử gần đây nhất.”
Nguy cơ nước Mỹ lâm vào tình trạng không thanh toán các món nợ của mình, một tình huống sẽ gây chấn động cho các thị trường tài chính toàn cầu và đẩy nền kinh tế thế giới trở lại vào tình trạng suy thoái, đã gây quan tâm trên khắp thế giới. Giới phân tích còn khuyến cáo rằng cuộc khủng hoảng đang phương hại đến uy tín của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Ông Klaus Larres, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học North Carolina, nhận định như sau.
“Nếu cường quốc lãnh đạo thế giới không thể điều đình trong nội bộ để nâng mức trần nợ quốc gia, thì quyền lực của họ trên thực tế vững vàng như thế nào? Vai trò của họ là gì? Liệu Hoa Kỳ có thực sự hùng cường như chúng ta vẫn nghĩ, hay Hoa Kỳ đã trở thành một nước nhược tiểu bị các nước khác khuynh đảo một cách dễ dàng? Đó là những câu hỏi đang được đặt ra ở nước ngoài.”
Càng ngày càng có nhiều người Mỹ quy lỗi cho các thành viên Đảng Cộng Hòa về vụ đóng cửa chính phủ vẫn đang tiếp diễn. Bà Jen Stakich phục vụ trong ngành cung cấp thực phẩm tại California.
“Tôi tin rằng nước Mỹ đang bị bắt làm con tin ngay trong lúc này. Tôi nghĩ rằng Đảng Cộng Hòa thực sự sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chận, không cho người dân tiếp cận chương trình chăm sóc y tế với giá phải chăng.”
Rất nhiều người Mỹ cảm thấy bực dọc với sự đối đầu trong quốc hội Hoa Kỳ; tình trạng này đang tác động tới cuộc sống của họ, và của toàn thể quốc gia. Những lời kêu gọi của họ, đòi các chính khách Mỹ phải giải quyết những bất đồng, giờ đã được sự góp giọng ngày một lớn hơn từ nước ngoài.