Khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau lần đầu vào tuần tới, ngày 28/6, hai nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ nêu bật mối đe dọa chung từ chính quyền Kim Jong Un, một chế độ đàn áp và sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên những khác biệt đang gia tăng giữa hai nước về vấn đề an ninh và thương mại có thể làm lu mờ bề ngoài có vẻ đoàn kết của hai nước đồng minh.
Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra sau cái chết bi thảm của Otto Warmbier, một sinh viên Mỹ bị cầm giữ ở Bắc Triều Tiên và sau đó rơi vào hôn mê trong hơn 15 tháng, rồi rốt cuộc được thả vào tuần trước trong tình trạng tổn thương não nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
Cả hai nhà lãnh đạo đều đơn cử cách đối xử tàn bạo của chính phủ Bắc Triều Tiên đối với anh Warmbier là thêm một lý do nữa để chặn đứng chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân đang tiến triển nhanh chóng của Bình Nhưỡng.
Nhưng hai đồng minh có vẻ không đồng thuận về cách thức để thực hiện mục tiêu đó.
Cách tiếp cận cứng rắn
Ưu tiên ngắn hạn của chính quyền Trump là nhằm ngăn chặn Bắc Triều Tiên phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trang bị đầu đạn hạt nhân (ICBM) có khả năng vươn tới lục địa Hoa Kỳ.
Washington nhấn mạnh giải pháp răn đe bằng vũ lực quân sự, đồng thời tăng áp lực kinh tế từ Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4, có những dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt một thỏa thuận theo đó Bắc Kinh sẽ dùng ảnh hưởng của mình để kiềm hãm Bình Nhưỡng, và để đánh đổi, Washington sẽ bớt nặng tay chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong các hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, hôm thứ Ba, ông Trump bày tỏ thất vọng rằng các nỗ lực đang tăng của Trung Quốc, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên, đã không ngăn được Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo.
Ông Trump viết trên Twitter: "Mặc dù tôi đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc, cố giúp trong vấn đề Bắc Triều Tiên, nỗ lực đó không có kết quả. Nhưng ít nhất tôi biết Trung Quốc đã cố gắng!"
Từ lâu các chuyên gia phân tích hình ảnh vệ tinh nói Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 để đạt thêm tiến bộ hướng tới việc thủ đắc khả năng có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có đầu đạn hạt nhân ICBM.
Chính sách hòa hoãn với miền Bắc
Tân lãnh đạo Hàn Quốc có lập trường cấp tiến muốn cân bằng răn đe quân sự và trừng phạt với đối thoại và tiếp xúc ngoại giao để giảm căng thẳng với Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Moon phát biểu:
"Tôi tin điều mà ông Kim Jong Un mong muốn nhất là bảo đảm an ninh cho chế độ của ông. Vì vậy, có khả năng ông Kim sẽ tiếp tục mang chương trình vũ khí hạt nhân của ông ra để hù dọa. Nhưng tận cùng, ông ta khao khát mong muốn đối thoại. Sau rốt, cách duy nhất để tìm hiểu có thực như vậy không là mở đối thoại với Bắc Triều Tiên.”
Ông Moon bày tỏ quan ngại về một cuộc tấn công quân sự mà Mỹ có thể thực hiện để tiêu diệt các địa điểm hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Nếu xảy ra, chắc chắn nó sẽ khởi động hành động trả đũa tức thời, tấn công hàng triệu người sinh sống ở Hàn Quốc.
Đặc sứ của Tổng thống Hàn Quốc phụ trách an ninh và ngoại giao, ông Moon Chung-in, gần đây gợi ý rằng Hàn Quốc sẵn sàng thu hẹp hoặc đình chỉ các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ để đổi lấy thỏa thuận với Bình Nhưỡng nhằm đóng băng chương trình hạt nhân của miền Bắc.
Tuy nhiên, hôm thứ Tư, đặc sứ Moon Chung-in xác minh quan điểm của ông không đại diện cho chính sách của chính phủ Hàn quốc.
Ông nói: "Việc của tôi là cố vấn cho tổng thống. Liệu tổng thống có chấp nhận lời cố vấn của tôi hay không là quyết định của ông ấy.”
Các đề xuất có vẻ cấp tiến của Tổng thống Moon có thể không được đón nhận tích cực ở Washington, đặc biệt sau khi chính sách cứng rắn của ông Trump được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ủng hộ.
Cũng có quan ngại ở Washington về quyết định của Tổng thống Moon, trì hoãn việc triển khai toàn diện Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối – - THAAD của Hoa Kỳ, viện lý do cần tiến hành nghiên cứu tác hại môi trường.
Trì hoãn việc lắp đặt hệ thống THAAD được nhiều người coi như một động thái nhằm xoa dịu quân đội Trung Quốc, vốn chống đối việc Hoa Kỳ tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực, và cho rằng lá chắn phi đạn THAAD có thể được sử dụng để theo dõi toàn khu vực.