Tổng Thống Barack Obama nói Hoa Kỳ không gây chiến với Hồi giáo. Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh tại Tòa Bạch Ốc về cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan bạo động, nhà lãnh đạo Mỹ nói ông muốn đả phá lập luận cho rằng người Mỹ, và người Tây phương nói chung, đối đầu với người Hồi giáo. Ông nói lối diễn giải này sẽ giúp những kẻ cực đoan tuyên truyền và tuyển mộ những người Mỹ trẻ tuổi hay người các nước khác. Thông tín viên Luis Ramirez tường thuật từ Tòa Bạch Ốc.
Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn tập trung vào nỗ lực quân sự chống lại quân chủ chiến Hồi giáo. Giờ đây, Tổng thống Obama nói đã tới lúc phải chú tâm tới khía cạnh ý thức hệ, và những nguyên nhân đã khiến những người trẻ tuổi dễ bị thuyết phục bởi những lời tuyên truyền để trở thành những kẻ cực đoan.
Sau khi bị chỉ trích vì không nhắc đến từ "Hồi giáo" khi đề cập đến các phần tử cực đoan, ông Obama khẳng định rằng cần phải đối phó với mối đe dọa đó một cách thẳng thắn và thành thực.
"Chúng ta không ở trong tình trạng chiến tranh với đạo Hồi."
Người Mỹ đã ghê sợ trước hình ảnh về những tội ác do các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo gây ra, trong đó có một số người đã được tuyển mộ từ các cộng đồng di dân Hồi giáo cư ngụ tại các thành phố Mỹ, như Minneapolis, là nơi có đông người Somali sinh sống.
Chính trong các cộng đồng như vậy, mà những sự bất bình vì bị phân biệt đối xử, vì nghèo đói, thiếu cơ hội giáo dục, và tham nhũng, đã tạo điều kiện dễ dàng để những kẻ khủng bố có thể khai thác những người trẻ tuổi, thường là qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Tổng thống Obama đã mời các nhà lãnh đạo tôn giáo, cảnh sát, và những người khác tới dự hội nghị thượng đỉnh tại Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Tư, để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của sự thể này. Ông nói:
"Nếu chúng ta muốn giải quyết thách thức đặt ra bởi các cố gắng của họ nhằm tuyển mộ những người trẻ của chúng ta, nếu chúng ta muốn cất lên tiếng nói của lòng khoan dung và chủ nghĩa đa nguyên trong cộng đồng Hồi giáo, thì ta phải thừa nhận rằng công việc của họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì lối diễn giải chung chung hiện diện trong nhiều cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới, theo đó phương Tây đang đối đầu với Hồi giáo theo một cách nào đó. "
Mục đích là để thiết lập các chương trình sẽ thay đổi nhận thức về vấn đề này trên các đường phố. Trong khu vực Minneapolis và St. Paul, các chương trình thí điểm đã được tiến hành với những đóng góp ý kiến của các nhà lãnh đạo Hồi giáo ôn hòa, trong số đó có một số người dự hội nghị thượng đỉnh.
Giáo sĩ Abdisalam Adam Lanza, đến từ Minneapolis, phát biểu như sau:
"Chúng tôi tin vào quyền của tất cả mọi người được sống trong hòa bình và an ninh. Các giáo sĩ Hồi giáo đã lên án và tiếp tục lên án bất cứ người nào tìm cách dùng Hồi giáo để hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố."
Sau các cuộc thảo luận như thế này, câu hỏi được đặt ra là phải chăng các chương trình của chính phủ sẽ thành công trong việc hướng dẫn những người trẻ tuổi dễ bị thuyết phục bởi lời tuyên truyền của những kẻ cực đoan, để họ có được một quan điểm ôn hoà về Hồi giáo, và góp phần triệt tiêu sức quyến rũ của những kẻ cực đoan.