Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 hãy lên kế hoạch cho một tương lai không có nhiên liệu hóa thạch, ông cho rằng không có cách nào khác để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Một ngày sau khi chủ tịch COP28 Sultan Ahmed al-Jaber đề xuất tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ông Guterres phát biểu: "Chúng ta không thể cứu một hành tinh đang bốc cháy bằng vòi cứu hỏa phun ra nhiên liệu hóa thạch".
Ông nói: “Mức giới hạn 1,5 độ C chỉ có thể đạt được nếu rốt cuộc chúng ta ngừng đốt tất cả nhiên liệu hóa thạch. Không phải là cắt bớt hay giảm xuống”, ông đề cập đến các công nghệ còn non trẻ về thu lại và lưu trữ lượng khí thải carbon.
Hai quan điểm mâu thuẫn với nhau này đã tóm tắt lại vấn đề gây chia rẽ nhất mà các nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ năm nay diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), một nước sản xuất dầu mỏ.
Sau đó, cũng trong ngày thứ Sáu 1/12, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tỏ ý chỉ trích các nước giàu về vai trò của họ trong việc xả ra lượng khí thải làm khí hậu nóng lên nhiều nhất kể từ Cách mạng Công nghiệp.
“Chúng ta không có nhiều thời gian để sửa chữa những sai lầm của thế kỷ trước”, ông Modi phát biểu. "Trong thế kỷ qua, chỉ có một bộ phận nhỏ nhân loại đã khai thác thiên nhiên một cách bừa bãi. Ấy thế nhưng toàn bộ nhân loại đang phải trả giá cho điều đó, đặc biệt là những người sống ở phương Nam toàn cầu".
Bà Hilda Heine, một cựu tổng thống Quần đảo Marshall, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt do mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, đã từ chức khỏi ban cố vấn chính của COP28 hôm 1/12 để phản đối quan điểm của UAE ủng hộ việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bà Hilda Heine bày tỏ trong thư từ chức của mình rằng bà "thất vọng sâu sắc" khi có tin UAE đã sử dụng vai trò COP28 của mình để dàn xếp các giao dịch dầu khí. UAE đã mạnh mẽ phủ nhận lời cáo buộc này.
Ban chủ tịch COP28 của UAE nói rằng họ "vô cùng thất vọng" về việc bà Heine từ chức.
Tuyên bố của họ có đoạn: “Chúng tôi hoàn toàn rõ ràng, công khai và trung thực trong suốt quá trình này và thật đáng xấu hổ khi thấy có tin tức chưa được xác minh ảnh hưởng đến đội ngũ của chúng tôi và làm suy yếu cơ hội tốt nhất của thế giới cho việc giữ được mức giới hạn 1,5 độ C trong tầm tay”.
Ở ngoài hội trường chính, các phái đoàn và các ủy ban kỹ thuật có lịch làm việc trong ngày 1/12 với nhiệm vụ khổng lồ là đánh giá tiến bộ của họ trong việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu, đặc biệt là mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C (3,6 độ F) cao hơn nhiệt độ thời tiền công nghiệp.
LHQ công bố hôm 1/12 bản dự thảo đầu tiên về nội dung có thể dùng làm khuôn mẫu cho bản thỏa thuận chung cuộc của hội nghị thượng đỉnh COP28, bế mạc vào ngày 12/12.
Dự thảo bao gồm một số phương án nhằm giải quyết vấn đề trọng tâm là liệu nhiên liệu hóa thạch có nên đóng vai trò trong tương lai hay không và ở mức độ nào.
Một trong những phương án bao gồm các cam kết giảm dần hoặc loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ bỏ năng lượng than và tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Hội nghị thượng đỉnh cũng có một thành công trong những ngày đầu, đó là thông qua một quỹ mới để giúp các quốc gia nghèo đối phó với thảm họa khí hậu.