Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố Ukraine có thể tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga để phòng vệ trước các cuộc tấn công.
“Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga [như] một phần của quyền tự vệ, và chúng tôi có quyền hỗ trợ họ tự vệ,” ông Stoltenberg nói ngày 13/6, khi trả lời câu hỏi của VOA tại trụ sở chính của NATO ở Brussels, nơi các đồng minh NATO và đối tác đang tổ chức cuộc họp lần thứ 23 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG). Nhóm do Hoa Kỳ lãnh đạo tập hợp khoảng 50 quốc gia để phối hợp hỗ trợ quân sự cho Kyiv trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga.
Ông Stoltenberg hoan nghênh quyết định của nhiều đồng minh và đối tác nhằm nới lỏng các hạn chế về sử dụng vũ khí chống lại “các mục tiêu quân sự hợp pháp” bên trong Nga, quốc gia đã bắt đầu cuộc chiến bằng cách xâm lược trái phép Ukraine.
Ông nói: “Nếu họ [người Ukraine] không thể làm như vậy, thì chúng ta đang thực sự yêu cầu họ cố gắng tự vệ, duy trì quyền tự vệ, với một tay bị trói sau lưng”. “Tự vệ không phải là leo thang.”
Ông Stoltenberg cho rằng quyền tấn công xuyên biên giới của Ukraine đã trở nên rõ ràng hơn kể từ khi Nga mở mặt trận mới ở phía bắc Kharkiv và bắt đầu tấn công khu vực này trực tiếp từ lãnh thổ Nga.
“Biên giới và tiền tuyến ít nhiều giống nhau, và tất nhiên, nếu các lực lượng, pháo binh, đơn vị phi đạn của Nga được an toàn ngay khi ở bên biên giới Nga thì sẽ trở nên vô cùng khó khăn cho người Ukraine tự bảo vệ mình,” ông nói.
Gần đây, Mỹ đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên bộ bên trong lãnh thổ Nga, đặc biệt là để phòng thủ trước các cuộc tấn công xuyên biên giới vào khu vực Kharkiv. Tuần trước, Cố vấn Truyền thông An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết Mỹ “chưa bao giờ” đưa ra hạn chế đối với người Ukraine bắn hạ máy bay thù địch, “ngay cả khi những máy bay đó không nhất thiết phải ở trong không phận Ukraine”.
Tướng hồi hưu Frank McKenzie, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, nói với VOA trong tuần này rằng người Ukraine có thể bắn vào bất kỳ mục tiêu quân sự nào bên trong Nga đang tấn công Ukraine, “nhưng với một số giới hạn nhất định” đối với các khu vực như các địa điểm có khả năng hạt nhân của Nga.
“Bạn không thể cho họ một nơi trú ẩn ở đó,” ông nói. “Tôi nghĩ điều đó đã làm tổn hại đáng kể đến khả năng đáp trả cuộc tấn công mới nhất này của Ukraine”.
Xem xét lại các hạn chế
Trong hơn một năm, Hoa Kỳ không cung cấp phi đạn đạn đạo chiến thuật tầm xa có tên ATACMS cho Kyiv do chính quyền lo ngại rằng Nga sẽ coi việc sử dụng chúng để tấn công bên trong lãnh thổ Nga là hành vi leo thang chiến tranh.
ATACMS có tầm bắn lên tới 300km và gần gấp đôi khoảng cách tấn công của phi đạn Ukraine.
Vào cuối tháng 4, Mỹ lần đầu tiên thừa nhận rằng họ đã cung cấp cho Ukraine những phi đạn được chờ đợi từ lâu vào giữa tháng 3.
Kể từ đó, Hoa Kỳ đã công bố bốn gói thẩm quyền rút tiền của tổng thống (PDA) dành cho hỗ trợ an ninh Ukraine, với tổng trị giá 1,9 tỷ đô la, được lấy từ kho dự trữ của quân đội Hoa Kỳ để cung cấp cho quân đội Ukraine những nhu cầu trước mắt.
Khi được VOA hỏi liệu Hoa Kỳ có cung cấp thêm ATACMS cho Ukraine kể từ giữa tháng 3 hay không, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng C.Q. Brown nói, “Chúng tôi đang nghiên cứu phần ATACMS và chúng tôi tiếp tục cung cấp khả năng đó thông qua các PDA của mình.”
Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine hôm thứ Tư nói rằng Ukraine đã sử dụng ít nhất 10 ATACMS trong cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự sâu bên trong Crimea trong tuần này và Nga “không đánh chặn được bất kỳ phi đạn nào trong số đó”. Nga cũng xác nhận việc sử dụng ATACMS nhắm vào các mục tiêu bên trong Crimea, nhưng tuyên bố 9 trong số ATACMS đã bị bắn hạ, theo hãng truyền thông nhà nước Nga TASS.
Quân đội Ukraine hôm 12/6 cho biết họ đã bắn trúng ba hệ thống phi đạn đất đối không của Nga ở Crimea trong đêm.
“Một đơn vị S-300 gần Belbek cũng như hai đơn vị S-400 gần Belbek và Sevastopol đã bị tấn công. Hai radar của hệ thống S-300 và S-400 bị phá hủy. Về radar thứ ba, thông tin đang được làm rõ”, Bộ Quốc phòng Ukraine nói trong một tuyên bố trên X.
Ông Brown cho biết trọng tâm cuộc họp của Nhóm Liên hệ Quốc phòng Ukraine ngày 13/6 sẽ ưu tiên phòng không Ukraine, cùng với sự duy trì và khả năng huấn luyện và trang bị cho lực lượng mới của Kyiv.
Ông Brown nói: “Phòng không là một trong những điều mà khi chúng tôi hợp tác với người Ukraine, đó là ưu tiên hàng đầu của họ”.
Đức tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine một hệ thống phòng thủ phi đạn đất đối không Patriot khác và Ý cũng tuyên bố sẽ cung cấp hệ thống phòng không SAMP-T cho Ukraine.
New York Times và AP đưa tin rằng Hoa Kỳ cũng đang cung cấp một hệ thống Patriot khác, dẫn lời các quan chức quốc phòng được giấu tên để thảo luận về động thái này.
Theo ông Brown, UDCG cũng đã nỗ lực cung cấp cho Ukraine khả năng sử dụng máy bay chiến đấu F-16 trong “mùa hè này”. Một số phi công Ukraine gần đây đã tốt nghiệp khóa huấn luyện F-16 ở tiểu bang Arizona của Hoa Kỳ, cùng với nhiều phi công và kỹ thuật viên bảo trì máy bay phản lực dự kiến sẽ hoàn thành khóa huấn luyện tại nhiều địa điểm khác nhau trong những tuần tới.
Ông McKenzie nói với VOA rằng các máy bay chiến đấu của phương Tây “có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể” cho Ukraine, “đặc biệt nếu cho phép bắn vào Nga”.
Ông nói thêm: “Nó có thể sẽ cho phép truy đuổi một số phương tiện trên không của Nga đang thả bom lượn và các loại vũ khí khác sâu bên trong Ukraine”.
Phát biểu khai mạc cuộc họp ngày 13/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết nhóm này đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 98 tỷ đô la cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược 840 ngày trước. Ông cũng hoan nghênh Argentina là thành viên mới nhất của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine.