Tổng tư lệnh quân đội Myanmar khẳng định quân đội vẫn là một lực lượng chính trị dù nước này hiện được chính phủ dân cử đầu tiên điều hành trong gần nửa thế kỷ dưới sự cai trị của quân đội.
Hơn 10.000 binh sĩ tuần hành tại thủ đô chính trị Nay Pyi Taw ngày 27 tháng 3 khi Myanmar chào mừng lần thứ 72 Ngày Lực lượng Võ trang đánh dấu phong trào kháng chiến do người hùng của nền độc lập Myanmar, Tướng Aung San, thân phụ của đương kim Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, lãnh đạo vào năm 1945.
Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, trong bài diễn văn nhấn mạnh quân đội phải giữ vai trò chỉ đạo trong nền chính trị đất nước vì vị trí của quân đội trong lịch sử và tình hình cấp thiết của đất nước.
Ông nói: “Chúng ta đã thấy đặt quá nhiều trọng tâm vào chính trị đảng phái không đưa đến ổn định quốc gia, nhưng đặt ưu tiên vào chính trị quốc gia có thể là cách duy nhất mang lại ổn định.”
Chính phủ do Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ do bà Suu Kyi lãnh đạo lên nắm quyền từ tháng 3 năm ngoái sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, nhưng hiến pháp do hội đồng quân nhân soạn thảo phân bổ cho quân đội một phần tư số ghế trong Quốc hội—và do đó có quyền phủ quyết—và kiểm soát 3 Bộ quan trọng trong Nội các.
Từ năm 1962 đến năm 2011, Myanmar bị đặt dưới quyền cai trị của một hội đồng các tướng lãnh chuyên chế, đàn áp hầu hết tất cả những người bất đồng chính kiến, và theo cáo giác, vi phạm nhân quyền sâu rộng, khiến cho quốc tế lên án và chế tài.
Tuy nhiên, những năm độc tài đã chấm dứt vào năm 2010 bằng cuộc tổng tuyển cử mà nhiều người xem rằng có sự gian lận của quân đội.
Quyền hành được chuyển giao vào năm 2011 cho một chính phủ bán dân sự được lãnh đạo bởi Đảng Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn và Tổng thống Thein Sein, một nhà cải cách, đồng thời cũng là một đại tướng hồi hưu. Tiến trình đưa Myanmar thoát vòng bị thế giới cô lập, chấm dứt hầu hết những chế tài và đẩy mạnh việc phát triển kinh tế.
Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar,Tướng Min Aung Hlaing, hôm 27/3 cũng kêu gọi cảnh giác về “sự can thiệp của nước ngoài” trong cuộc xung đột tại Myanmar, nhấn mạnh đến tình hình ở bang Rakhine phía tây Myanmar, nơi quân đội mở các chiến dịch sau những cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát làm nhiều người thiệt mạng. Các cuộc hành quân của lực lượng chính phủ đã bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ.
Tướng Min Aung Hlaing nói bóng gió rằng khoảng 1,2 triệu người Hồi Giáo Rohingya tại Rakhine là những di dân bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh.
Ông nói rằng “rõ ràng có những sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề người tị nạn sau những cuộc tấn công bạo động của một số người Bengal vào năm 2016 và hệ quả là có những các cuộc hành quân tại khu vực này.”
Ông Min Aung Hlaing nói thêm là “Về vấn đề chủng tộc, chúng tôi đã nói rõ là những người Bengal không phải là sắc tộc thiểu số Myanmar.”
Myanmar bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì đàn áp những người Hồi Giáo Rohingya sau những cuộc tấn công vào cảnh sát tại khu vực Maungdaw thuộc miền bắc Rakhine, hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuần trước, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc quyết định cử một phái bộ quốc tế tìm hiểu sự thật đến Myanmar để điều tra những cáo buộc về vi phạm nhân quyền, đặc biệt là chống lại những người Rohingya.
Tướng Min Aung Hlaing nói “đáp ứng của quốc tế đối với những vấn đề nội bộ của chúng tôi có thể là một đe dọa đối với chủ quyền của chúng tôi.”
Người Rohingya tại tiểu bang nghèo khó Rakhine bị phủ nhận quyền công dân do một đạo luật được ban hành dưới thời ông Ne Win, một người hùng quân đội đã thực hiện cuộc đảo chánh. Trong thời gian ông Ne Win lãnh đạo từ năm 1962 đến năm 1988, đã có những chính sách bài ngoại.
Giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy sắc tộc đã diễn ra tại miền bắc bang Kachin và vùng đông bắc bang Shan giáp ranh với Trung Quốc.
Nguồn Anadolu Agency/AFP