Ngày càng nhiều các nhà sản xuất ở châu Á chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nhà máy khác trong khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các công ty như SK Hynix của Hàn Quốc, Mitsubishi Electric, Toshiba Machine Co., và Komatsu của Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch di chuyển sản xuất kể từ tháng 7 năm nay, khi vòng thuế đầu tiên được ban hành và công tác di dời khâu sản xuất hiện đang được tiến hành, đại diện các công ty và những người thạo tin cho Reuters biết.
Các công ty khác như công ty sản xuất máy vi tính Compal Electronics của Đài Loan và LG Electronics của Hàn Quốc đang có những kế hoạch bổ sung phòng trường hợp chiến tranh thương mại tiếp tục và sâu rộng hơn.
Đại diện các công ty và những nguồn khác tiết lộ tin này với điều kiện ẩn danh vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Các công ty nhỏ hơn cũng đang thăm dò các giải pháp. Công ty sản xuất trang bị y khoa của Hàn Quốc IM Healthcare chuyên chế tạo các sản phẩm như máy lọc không khí cũng đang nghiên cứu việc chuyển sang Việt Nam hay về Hàn Quốc nếu cuộc chiến thương mại gia tăng cường độ, một nguồn tin biết trực tiếp vấn đề này cho hay.
Phản ứng nhanh chóng đối với thuế quan của Mỹ thực hiện được nhờ nhiều nhà sản xuất lớn có cơ sở tại nhiều nước và có thể chuyển ít nhất một phần sản xuất mà không cần xây thêm nhà máy.
Một số chính phủ, nhất là Đài Loan và Thái Lan, đang tích cực khuyến khích các công ty rời khỏi Trung Quốc.
Tại Đài Loan, chính phủ đang tích cực khuyến khích các công ty chuyển việc sản xuất khỏi Trung Quốc. Tháng trước, Đài Loan hứa sẽ tăng tốc “Chính sách di chuyển về phía Nam” hiện có để giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc bằng cách khuyến khích các công ty chuyển các chuỗi cung cấp về Đông Nam Á.
Thái Lan cũng hy vọng hưởng lợi từ “luồng công nghệ và đầu tư rời khỏi Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại”, ông Kanit Sangsubhan, Tổng thư ký Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC), Văn phòng Thái Lan, cho biết. Văn phòng này đang điều hợp một dự án trị giá 45 tỉ đô la để thu hút đầu tư vào Thái Lan.
Thuế quan đe dọa vai trò của Trung Quốc như một căn cứ sản xuất chi phí thấp. Sự thu hút của một thị trường tăng trưởng nhanh khiến các công ty thành lập những nhà máy và chuỗi cung cấp tại Trung Quốc trong vài thập niên qua.
Một số chính phủ châu Á hy vọng sẽ được lợi về kinh tế và chiến lược từ cuộc tranh chấp Mỹ-Trung.