Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động xây dựng trong nhóm đảo thứ hai trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington cho biết hôm thứ Tư.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS, Bắc Kinh đã tiến hành nâng cấp đáng kể cơ sở hạ tầng quân sự ở quần đảo Hoàng Sa, trong đó có các công trình xây dựng các bến cảng, bãi đáp trực thăng và căn cứ trực thăng trên một số đảo trong chuỗi đảo ở Hoàng Sa.
Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam sau cuộc đụng độ với hải quân Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974.
Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy 5 trong số các đồn trên đảo của Trung Quốc có bãi đáp trực thăng, trong đó đảo Quang Hòa có hẳn một căn cứ trực thăng và các đảo Tri Tôn, Vĩnh Lạc và Pattle mỗi đảo có một bãi đáp trực thăng thêm vào với các cơ sở máy bay trực thăng trên đảo Phú Lâm.
Ngoài ra, các bến cảng lớn cũng đã được mở rộng hoặc nạo vét tại đảo Quang Hòa Tây, Quang Hòa và đảo Cây. Các bến cảng nhỏ hơn đã tồn tại trên một số hòn đảo nhỏ ở Hoàng Sa, với một số đã được xây dựng chỉ trong vài năm qua. Việc nạo vét và xây dựng trên một số hòn đảo khác trên quần đảo Hoàng Sa quan sát được trên hình ảnh vệ tinh của CSIS-AMTI cho thấy Trung Quốc không có ý định dừng lại mà sẽ tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở nhằm khẳng định chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
Căn cứ không quân và công trình đầu tiên được Bắc Kinh xây dựng vào những năm 1990. Kể từ đó, Trung Quốc đã “tiến hành cải tạo đất đáng kể để mở rộng đảo Phú Lâm và xây dựng các cơ sở mới”, theo CSIS-AMTI. Các công trình này bao gồm một căn cứ không quân với 16 nhà chứa máy bay nhỏ dành cho chiến đấu cơ cũng như 4 nhà chứa máy bay lớn hơn.
Việt Nam chưa có phản ứng chính thức về sự kiện này. Tuy nhiên, trong buổi họp báo thường kỳ hôm 9/2, khi được hỏi về việc Trung Quốc mở chi nhánh ngân hàng tại thành phố “Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi việc làm của nước ngoài trong khu vực này, không có sự cho phép của Việt Nam, đều không hợp pháp và cũng không thay đổi được thực tế Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với khu vực này”.
Nguồn: Defensenews.com, Breitbart, Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Your browser doesn’t support HTML5