Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu, 30/11, rằng họ đã “giao thiệp nghiêm khắc” với Hoa Kỳ sau khi Hải quân Hoa Kỳ điều một con tàu đi xuyên qua Biển Đông đang có tranh chấp. Con tàu đã đi gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Căng thẳng xảy ra giữa hai cường quốc ở vùng biển châu Á có tranh chấp trùng vào lúc mối quan hệ hai nước đang xấu đi vì tranh cãi về thương mại, kéo theo các đợt tăng thuế ngày càng cao đánh vào hàng nhập khẩu của nhau trị giá hàng tỷ đô la.
Tàu tuần dương mang tên lửa điều hướng của Hoa Kỳ, USS Chancellorsville, đã đi gần quần đảo Hoàng Sa hôm 26/11 để thách thức "những tuyên bố chủ quyền biển quá đáng" của Trung Quốc, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, nói tại một cuộc họp báo hàng ngày rằng tàu của Mỹ đã vào trong vùng biển của Trung Quốc mà không được phép và Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm thông qua “giao thiệp nghiêm khắc”.
Quân đội Trung Quốc cho biết họ đã điều tàu và máy bay để theo dõi tàu Mỹ và cảnh báo nó phải rời đi.
Chuyến đi của tàu Chancellorsville là chuyến mới nhất trong hoạt động vì tự do hàng hải của Mỹ nhằm thách thức điều mà Mỹ xem là các hoạt động của Trung Quốc gây hạn chế quyền tự do đi lại trong vùng biển chiến lược.
Đặc biệt, Hoa Kỳ đã chỉ trích việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trên các đảo, bãi cạn, rạn san hô và lắp đặt các cơ sở quân sự của họ trên đó, bao gồm cả các đường băng và bến tàu.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với hầu hết Biển Đông và các đảo trong đó, và cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng quân sự với sự hiện diện hải quân của Mỹ ở đó.
Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines đều tuyên bố chủ quyền về các phần khác nhau của tuyến đường thủy, nơi có lượng thương mại hàng hóa trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đô la đi qua mỗi năm. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền về vùng biển.