Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, ông Masayuki Naoshima cho hay ông dự định sẽ sang thăm Việt Nam vào tuần tới để hỗ trợ cho các nỗ lực nhằm giành các hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Theo một công bố hôm thứ Sáu của Bộ Thương mại Nhật Bản, ông Naoshima dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và các giới chức khác trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày.
Các công ty Toshiba Corp., Hitachi Ltd. Mitsubishi Heavy Industries Ltd., và Tokyo Electric Power Co., Kansai Electric Power Co. và Chubu Electric Power Co. cũng sẽ cử đại diện tháp tùng vị Bộ trưởng tới Việt Nam trong chuyến công du này.
Giám đốc cơ quan hợp tác hạt nhân quốc tế của Nhật Bản Tomoyoshi Yahagi phát biểu với các phóng viên ở Tokyo rằng việc Bộ trưởng cùng đi với tất cả các vị giám đốc điều hành sẽ giúp chính phủ Việt Nam nhận thấy sự nghiêm túc của phía Nhật Bản trong lĩnh vực này. Ông cũng cho hay điều này cũng có thể giúp đem lại một số kết quả tại cuộc họp song phương.
Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ mong muốn được tham gia vào việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.
Hồi tháng Hai, Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama đã gửi cho người đồng nhiệm Việt Nam một bức thư đề nghị được thực hiện một hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 1 ngàn tỷ yen, tức là vào khoảng 11 tỷ đôla Mỹ.
Tiếp đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng Tư, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã lặp lại mong muốn hợp tác về mặt công nghệ trong việc xây các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hồi tháng 6, tập đoàn quốc doanh của Nga, Rosatom, đã được chọn tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
Theo Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Vương Hữu Tấn thì những lý do chính để chọn công nghệ của Nga là do công nghệ của Nga rất an toàn, giá cả phù hợp và phía Nga cũng hứa sẽ giúp Việt Nam trong vấn đề xử lý chất thải hạt nhân.
Báo chí Việt Nam trích lời ông Tấn cho biết Việt Nam không chỉ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mà theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, Việt Nam còn mở thêm 8 đến 10 địa điểm xây dựng nhà máy nữa.
Theo ông Tấn, tổ máy đầu tiên đã lựa chọn công nghệ của Nga, tuy nhiên, không phải vì thế mà cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực điện hạt nhân với các nước khác bị bỏ qua.
Việt Nam đang phát triển thêm các nguồn năng lượng mới nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dân, trong khi tăng trưởng kinh tế tới năm 2020 được dự báo sẽ đạt trung bình khoảng 8%.
Nguồn: Kyodo, Thanh Nien, Bloomberg