Hàng trăm người tị nạn ngày 30/10 cố thủ bên trong một trại tạm giữ ở Papua New Guinea (PNG), thách thức nỗ lực của chính quyền Úc và PNG muốn đóng cửa trại tị nạn này.
Giới bảo vệ nhân quyền cảnh báo một cuộc khủng hoảng nhân đạo bùng phát trong bế tắc giữa những người tị nạn bị giữ ở Trung tâm Manus Island với nhà chức trách khi thời hạn chót đóng cửa trại tị nạn do Úc tài trợ 31/10 đã tới gần.
Luật sư của khoảng 600 người từ chối không chịu di dời tới hai trại tạm giữ khác ở PNG định đệ đơn kiện phút chót vào ngày 30/10 để tìm kiếm sự can thiệp đối với quyết định đóng cửa trại tị nạn.
Trung tâm Manus Island là trọng tâm của chính sách di trú gây tranh cãi của Úc, quốc gia không cho người tị nạn vượt biên bằng đường biển cập bến Úc mà thay vào đó giam giữ họ trong các trại tập trung ở PNG và Nauru ở Nam Thái Bình Dương.
Nhiều năm nay, Liên hiệp quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã báo động về tình trạng vi phạm nhân quyền trong các trung tâm này.
Thượng nghị sĩ Nick McKim của Úc cho biết nhà chức trách đã cúp điện trung tâm này để khuyến khích mọi người rời đi. Các nguồn cung cấp điện, nước, và thực phẩm đều sẽ bị cúp vào ngày 31/10 và PNG gửi các toán bán quân sự tới giám sát công tác đóng cửa trại tị nạn vừa kể.
Tòa Tối cao của PNG năm ngoái phán quyết rằng Trung tâm Manus, mở cửa năm 2001, là bất hợp pháp. Trung tâm này bị đóng cửa từ 2008 tới 2011 và mở cửa lại năm 2012 sau khi số người tị nạn bằng đường biển gia tăng. Hai năm sau, chính phủ Úc loan báo dòng ‘thuyền nhân’ tị nạn đã chấm dứt.
“This is a breach of human rights,” McKim told Australian Broadcasting Corp radio. “They remain Australia’s responsibility and the U.N. has repeatedly confirmed that.”
Giới hữu trách PNG khuyến cáo rằng Úc sẽ không được phép ‘phủi tay’ về trách nhiệm pháp lý, tài chính và đạo đức đối với những người tị nạn này.
Úc đã tuyên bố sẽ chi 195 triệu đô la để cung cấp chỗ ăn ở cho số người tị nạn này trong 12 tháng tới. Chỉ 200 người trong số này đã rời đi.
Công tác di dời này được xem là biện pháp tạm thời, để Mỹ có thời gian hoàn tất khâu rà soát người tị nạn, một phần trong thỏa thuận trao đổi người tị nạn giữa đôi bên.
Mỹ đồng ý nhận lên tới 1250 người tị nạn từ hai trại tạm giữ của Úc ở Thái Bình Dương, nhưng tới nay mới có 15 người từ đảo Manus được tái định cư. Đổi lại, Úc cho biết sẽ tái định cư người tị nạn từ Trung Mỹ.
Úc từng loan báo là những người tị nạn không được tái định cư ở Mỹ sẽ được phép ở lại PNG hay Nauru. Tuy nhiên, gần như tất cả người tị nạn đều không chịu định cư vĩnh viễn tại hai nơi này.
Phần đông trong số những người tị nạn này đến từ các nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Afghanistan, Pakistan, Iran, Sri Lanka và Myanmar.
Theo Reuters