Một phiên tòa phúc thẩm ở Ninh Bình vừa y án ông Trần Quốc Khánh 6,5 năm tù và hai năm quản chế vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Gia đình ông Khánh cho VOA biết rằng phiên tòa diễn ra mà không có mặt luật sư bào chữa, dù ông Khánh có yêu cầu luật sư.
Từ Ninh Bình, ông Trần Quốc Ân, em của ông Khánh, nói với VOA:
“Phiên phúc thẩm anh Trần Quốc Khánh ngày 17/2/2022 không có luật sư bào chữa, không cho người nhà, thân nhân vào dự phiên tòa.
“Phiên tòa phúc thẩm rất kỳ lạ. Anh Khánh đã làm đơn mời luật sư Lê Đình Việt và gửi tòa án và viện kiểm sát ở Ninh Bình nhưng luật sư không nhận được thông báo cho phép bào chữa.”
VOA đã liên lạc Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình và Tòa cấp cao tại Hà Nội để tìm hiểu về lý do luật sư không được phép bào chữa trong phiên phúc thẩm này, nhưng chưa được phản hồi.
XEM THÊM: Việt Nam kết án cựu ứng cử viên độc lập ĐBQH hơn 6 năm tùLuật sư Lê Đình Việt cho VOA biết qua tin nhắn hôm 24/2 rằng ông chưa nhận được yêu cầu bào chữa: “Tôi không nhận được yêu cầu bào chữa từ ông Khánh.”
Ông Ân cho biết ông chỉ được phép vào gặp ông Khánh trong khoảng hai phút lúc tòa nghỉ giải lao trước khi tuyên án.
Vào ngày 10/3/2021, chính quyền tỉnh Ninh Bình đã bắt giam và buộc tội ông Trần Quốc Khánh theo Điều 117 “Tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Khánh là người đã bày tỏ ý định ra tranh cử với tư cách là một ứng cử viên độc lập cho kỳ bầu cử Quốc hội Khóa XV vào tháng 5/2021.
Ông Ân cho biết thêm:
“Anh Trần Quốc Khánh không nhận tội và không xin giảm án.
“Lời nói cuối cùng của anh Trần Quốc Khánh: phiên tòa phúc thẩm xử ông hợp lệ, không hợp pháp, không đúng với pháp luật của Việt Nam vì không có luật sư”, ông Ân thuật lại lời nói sau cùng của ông Khánh ngay sau khi hội đồng xét xử tuyên án.
Your browser doesn’t support HTML5
Tại phiên sơ thẩm hôm 28/10/2021, ông Trần Quốc Khánh bị tuyên án 6 năm rưỡi tù và hai năm quản chế vì các đăng tải trên mạng xã hội được xem là “phỉ báng chính quyền nhân dân” và “kêu gọi đa nguyên, đa đảng”.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Ninh Bình được truyền thông trong nước trích dẫn nói rằng ông Trần Quốc Khánh, 62 tuổi, đã sử dụng tài khoản Facebook “Trần Quốc Khánh” và fanpage “Tiếng nói Công dân” của mình để phát trực tiếp 22 video “có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân” trong thời gian từ 19/9/2019 đến 4/1/2021.
Bà Trần Thị Thu Thủy ở Nam Định, một người thường xuyên theo dõi kênh “Tiếng nói Công dân” của ông Khánh, nêu nhận định với VOA:
“Đối với tôi đó là một phiên tòa bất công. Tù nhân lương tâm Việt Nam không có tội.
“Anh ấy có kênh “Tiếng nói Công dân” làm livestream nêu ý kiến phản biện rất tốt, không có gì sai so với pháp luật và Hiến pháp.
“Việc anh ấy đấu tranh trước áp bức bất công và mong muốn mang lại tự do, nhân quyền là một mong muốn hết sức chính đáng và tôi kính trọng anh ấy”.
Hồi tháng 4/2021, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã lên án việc Việt Nam đàn áp các ứng cử viên độc lập, gồm ông Trần Quốc Khánh và ông Lê Trọng Hùng, người cũng ứng cử ĐBQH khoá XV. Cũng như ông Khánh, ông Hùng bị cáo buộc tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 117 BLHS và vào cuối tháng 12/2021 ông Hùng bị tuyên án 5 năm tù cùng 5 năm quản chế.
Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 4 phủ nhận việc khởi tố ông Khánh và ông Hùng là do đã tự ứng cử ĐBQH và phổ biến Hiến pháp. Tờ báo này cho rằng phía sau những quyết định ứng cử của hai ông Khánh và Hùng là “động cơ chính trị thiếu trong sáng” nhằm “chống phá cuộc bầu cử”.