Trí thức biết… nhục không có chỗ dung thân?

Cô Trần Thị Thơ trong buổi nói chuyện bị ghi hình và sau đó bị tố cáo. (Hình: Trích xuất từ video)

Trân Văn


Tuần này, chuyện công an điều tra cô Trần Thị Thơ, Giảng viên Khoa Ngoại ngữ và ngay sau đó Đại học Duy Tân sa thải cô vì… phát ngôn sai lệch về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (1) là một trong những chủ đề làm nóng mạng xã hội.

Trước đó, công chúng từng sững sờ khi một sinh viên Đại học Duy Tân đưa lên mạng xã hội video clip ghi lại cuộc trò chuyện giữa cô Thơ và cậu ta nhằm tố cáo thầy mình và Công an thành phố Đà Nẵng lập tức tiến hành điều tra...

Trong cuộc trò chuyện mà nội dung chẳng khác gì cố tình bẫy thầy ấy, sinh viên ẩn danh và giấu mặt liên tục nêu thắc mắc để cô Thơ giải thích tại sao cô cảm thấy nhục: Từ đầu mùa dịch tới giờ, chính phủ đã hỗ trợ gì cho em chưa? Đã tiếp cận được vaccine chưa? Có nước nào dân chạy 1.500km về quê? Hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém, đúng không? Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, dân những quốc gia khác trên thế giới được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vaccine, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi. Đó mới là sự nhục nhã (2)… Sinh viên của cô Thơ tố cáo cô vì thầy của cậu ta biết nhục. Công an thành phố Đà Nẵng điều tra vì cô có thể làm nhiều người khác thay đổi quan niệm về tự hào và nhục nhã…

Còn Đại học Duy Tân thì sao? Cơ quan chuyên đào tạo trí thức này đã chọn… hợp tác với công an để… điều tra và có lẽ để chứng tỏ… thiện tâm, thành ý, họ sa thải cô Thơ sớm nhằm minh định lập trường: Không chấp nhận một trí thức biết… nhục!

***

Cách xử lý của cả hệ thống công quyền Việt Nam lẫn Đại học Duy Tân đối với một trí thức biết nhục trước thực trạng xã hội và thảm trạng trong đại dịch đã làm nhiều người nổi giận. Chẳng hạn Nguyễn Thanh Huy. Ông Huy nêu ra hàng loạt câu hỏi: …Ai có thể vỗ ngực khoe rằng trong đợt chống dịch lần này chúng ta không lúng túng, không có những hạn chế? Nếu cho rằng chúng ta đã làm rất tốt, hoàn hảo thì hoặc là vô tri hoặc giả ngu, giả mù mà nịnh hót! Chẳng lẽ bổn phận của người làm thầy chỉ giống như một con robot được lập trình, tệ hơn chỉ là một cái máy biết thu và biết phát, không được nói thêm gì khác? Nếu chỉ như vậy thì “thầy” trong xã hội Việt Nam quá rẻ rúng. Đã như thế thì đừng bao giờ ngợi ca những người thầy trong quá khứ dám lên tiếng trước cường quyền, bất công như Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tất Thành...

Theo ông Huy, lẽ ra Đại học Duy Tân - nơi có không ít người mang danh “trí thức” phải đứng ra bảo vệ cô Thơ cho dù phải chịu nhiều sức ép từ các cơ quan quản lý khác. Việc bảo vệ cô Thơ không phải là bảo vệ một cá nhân do quan hệ riêng tư hay do cách ứng xử trọng tình của người Việt, mà hơn hết đó là bảo vệ nhân cách, giá trị của giảng viên đứng trên bục giảng để họ có quyền nói ra suy nghĩ và bộc lộ những cảm xúc chân thật của họ... Việc sa thải sẽ tạo nên những tiền lệ hết sức nguy hiểm đối với sự tiến bộ của đất nước. Đó là sự bóp nghẹt phản biện, hạ thấp giá trị, vị trí của những người làm thầy, giết chết cảm xúc và lòng trắc ẩn của những người có lương tri vì làm họ sợ mất miếng cơm, manh áo. Đồng thời tạo ra cho các cấp quản lý quyền lực vô hạn, vượt khỏi các chế định của luật pháp…

Ông Huy tin rằng, hành động đơn phương của Đại học Duy Tân chỉ có thể khiến cô Thơ mất việc - không vì việc này thì cô cũng sẽ bị việc khác - chứ không thể dập tắt được ý chí cá nhân cũng như suy nghĩ và sự phản ứng của công luận. Không chừng điều đó sẽ phản tác dụng, giống như thổi cho một đốm lửa bùng lên. Ông Huy nhắc lại cảnh báo của Lê Quý Đôn về những dấu hiệu của một quốc gia lâm nguy: Trẻ không kính gìa (vì già không đáng kính). Trò không trọng thầy (vì thầy không ra thầy). Binh kiêu tướng thoái (vì chẳng bao giờ đánh trận). Tham nhũng tràn lan (vì không ăn cũng uổng). Sĩ phu ngoảnh mặt (vì nói chẳng ai nghe) (3)!

***

Trong Thư ngỏ gửi cô Thơ, ông Mạc Văn Trang - một nhà giáo đã nghỉ hưu, khen cô Thơ không vô cảm, dám nói sự thật, dù bây giờ, ở xứ này, đó là… TỘI! Ông Trang nhấn mạnh, cô Thơ đã phạm hai “sai lầm” là NÓI THẬT và bức xúc, hổ thẹn vì bất lực trước nỗi đau của đồng bào mình trong khi dưới thế chế này, hai thứ đó từ lâu đã là xa xỉ phẩm. Nỗi đau, buồn của cô cũng là nỗi đau, buồn của tất cả những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, đến tương lai đất nước. Tuy nhiên đọc lời chia tay của cô Thơ với sinh viên, đồng nghiệp, ông Trang tin cô sẽ sớm tìm được công việc xứng đáng với cô vì cô có hiểu nhân tình thế thái và biết giữ nhân cách của mình. Ông Trang tin cô Thơ sẽ bình tĩnh vượt qua nghịch cảnh trong sự đồng cảm của rất nhiều người (4).

Bàn về sự kiện này, Tuấn Khanh – một nhạc sĩ, lại nhìn vào hướng khác: Sự tức giận của dư luận dồn vào Ban Giám hiệu Đại học Duy Tân, vào việc công an sẽ triệu tập một cô giáo trẻ can trường, dám nói thẳng suy nghĩ của mình nhưng điều đáng nói không kém là về một lớp người trẻ sẵn lòng lập mưu hèn, kế bẩn, sẵn sàng đấu tố cô giáo của mình như thời man rợ. Ắt là cũng đã đọc được tâm hồn và suy nghĩ của những người đang lãnh đạo ở môi trường gọi là giáo dục đó thì thứ đầu xanh ngu dại tập tành đấu tố ấy mới tin chắc rằng mình sẽ được trọng dụng khi dàn dựng mọi chuyện. Rõ, không ai bước vào nghĩa trang mà không mang theo nhang đèn, cũng không ai tự bước hầm phân mà không đoán trước nơi đó ngập ngụa bọ hung. Ai đã dựng nên những con người như vậy? Một thế hệ nhơ nhớp như vậy (5)?

***

Ông Thái Hạo, người nhiều lần bày tỏ sự bất bình, thất vọng về giáo dục, hệ thống giáo dục Việt Nam, tâm tình như thế này trước sự kiện một đồng nghiệp bị sa thải vì... biết nhục: Tôi thấy mình bị sỉ nhục! Có lẽ nhiều bạn thắc mắc rằng tại sao tôi lại quan tâm nhiều đến vụ “xử” nữ giảng viên Đại học Duy Tân như thế. Đơn giản, với tôi việc ấy là hệ trọng, nếu không nói là hệ trọng nhất. Dịch bệnh cùng lắm chỉ làm chết thân xác nhưng sự đàn áp tư tưởng và bọp nghẹt tiếng nói sẽ giết chết linh hồn con người. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, có thể một năm, có thể hai năm nhưng phải mất hàng trăm năm để cởi được những sợi xích nô lệ. Dịch bệnh chỉ làm chết những cá thể, sự nô dịch đối với một người sẽ đồng với nô dịch tất cả. Khi dịch bệnh làm chết một người, tôi thương cảm nhưng khi một người bị bịt mồm tôi thấy đau đớn. Chà đạp và tước đi quyền con người là sự sỉ nhục đối với chính tôi, vì tôi cũng là con người. Sa thải một người thầy vì những lời nói bình thường, đó là sự đe dọa và dằn mặt đối với mọi người thầy. Tôi thấy mình đã bị tát thẳng vào mặt. Tôi đang bị sỉ nhục (6)!

Chú thích

(1) https://vtv.vn/giao-duc/sa-thai-giang-vien-dh-duy-tan-phat-ngon-sai-lech-ve-cong-tac-phong-chong-covid-19-20210810064957733.htm

(2) https://www.facebook.com/NhatKyYeuNuocVN/posts/4222631971106613

(3) https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/4162351977176146

(4) https://baotiengdan.com/2021/08/12/gui-co-giao-tran-thi-tho/

(5) https://nhacsituankhanh.com/2021/08/12/nhung-vet-cat-khong-tuon-mau/

(6) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1049200389222482&id=100023975920044