Trang Trần Đại Quang nổi lên giữa ‘bão’ tin đồn

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang trong chuyến thăm Nga hồi cuối tháng Sáu.

Một trang web không rõ nguồn gốc mang tên của Chủ tịch Trần Đại Quang nằm trong “top” những trang web được nhiều người đọc nhất Việt Nam, giữa lúc có nhiều đồn đoán về sức khỏe của nhân vật trong “tứ trụ” đầy quyền lực ở Hà Nội.

Theo trang web xếp hạng Alexa thuộc công ty bán hàng trực tuyến Amazon, trandaiquang.org hiện đứng thứ 32 trong danh sách các trang mạng “ăn khách” nhất, vượt qua cả các trang tin chính thống như Đài tiếng nói Việt Nam.

... những trang đó đánh vào cá nhân người này, đánh vào cá nhân người khác, tung cái tin này, tin khác, thì những cái đó đang thu hút sự quan tâm của giới bình dân
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh.

Ngoài ra, theo Google, tên của ông Quang cũng “trending” [thịnh hành] với các cụm từ được tìm nhiều như “Trần Đại Quang đi đâu”, “Trần Đại Quang bị bệnh” hay “Trần Đại Quang đi chữa bệnh”.

Về lý do vì sao một trang mạng không rõ chủ sở hữu lại thu hút được nhiều người đọc, nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh nhận định với VOA tiếng Việt:

“Giới bình dân Việt Nam thì phần lớn, người ta không hiểu đó là trang fake [giả]. Người ta nghĩ đó là của ông Trần Đại Quang, của ông Nguyễn Tấn Dũng thật. Người ta thấy cái tên đó là người ta vào đọc. Số người người ta hiểu biết đó là trang giả nó ít lắm. Thứ hai nữa, vào Google ‘search’ [tìm] cái tên, thì những trang đó nó ra ngay. Những trang lãnh đạo như vậy, thường người ta vào tìm trên Google nhiều. Thứ ba nữa, những trang đó đánh vào cá nhân người này, đánh vào cá nhân người khác, tung cái tin này, tin khác, thì những cái đó đang thu hút sự quan tâm của giới bình dân”.

Công cụ đếm trên trandaiquang.org, mà VOA tiếng Việt không thể kiểm chứng độc lập, cho thấy rằng trung bình có hơn một nghìn người ghé trang này cùng lúc, và tổng cộng có hơn 500 triệu người đã truy cập để đọc tin tức, đa số là từ Việt Nam và Mỹ.

So với các quan chức hàng đầu khác trong “bộ tứ quyền lực” còn gồm tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch quốc hội, trang mang tên Chủ tịch Quang “nổi” nhất.

Trang có tên ông Nguyễn Tấn Dũng từng được nhiều người đọc dịp Đại hội Đảng 12 năm ngoái.

Trước khi bắt đầu Đại hội Đảng năm ngoái, mà giới quan sát cho rằng có sự cạnh tranh vị trí lãnh đạo giữa thủ tướng khi ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trang web vô thừa nhận mang tên ông Dũng cũng thu hút được nhiều người đọc.

Việt Nam thời gian qua đã yêu cầu một số trang web nước ngoài như Google hay Facebook xóa bỏ các video hay thông tin bị nhà nước coi là “xấu, độc”, “giả mạo”, “thất thiệt” hay “bôi nhọ lãnh đạo”.

Việt Nam từng yêu cầu một số hãng gỡ bỏ tin và video "nói xấu Đảng".

Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ qua trang web cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin liên quan tới tên miền Whois, trandaiquang.org được tạo từ đầu năm 2011, và người đại diện đăng ký tên miền này có địa chỉ ở Mỹ.

Khi được hỏi vì sao một trang web tung nhiều tin chưa kiểm chứng lại tồn tại lâu như vậy, blogger Chênh nhận xét:

“Hầu hết các ủy viên trung ương trở lên đều có trang fake [giả] như vậy hết. Duy nhất hồi trước có đính chính là ông Nguyễn Bá Thanh là ông đính chính là trang đó không phải trang của ông. Trang mang tên Nguyễn Bá Thanh không phải của ông. Còn hầu hết không thấy ai đính chính. Mấy trang như Trần Đại Quang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng vào rất dễ, không bị chặn. Những trang khác bị chặn rất nhiều. Những trang của các nhà báo tự do, của những người đấu tranh, nhân quyền dân chủ, ngay cả BBC, VOA cũng bị chặn ở Việt Nam. Theo cá nhân tôi, đó là những trang làm giả bởi một nhóm, một tổ chức nào đó, chứ không phải cá nhân”.

Sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh cũng được dư luận quan tâm năm 2015.

Hai năm trước, tin tức về sức khỏe của nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cũng “nóng” trong dư luận.

Sau một thời gian để cho tin đồn về chuyện ông “qua đời vì bị đầu độc” lấn lướt trên mạng Internet trong nhiều ngày, báo chí Việt Nam đã phải vào cuộc, dẫn lời các quan chức bác bỏ thông tin mà họ gọi là “sai sự thật” và “xuyên tạc”.

Tôi thấy mọi người ở trên Face [Facebook] đang rạo rực về chuyện các lãnh đạo bị bệnh. Tôi gặp gỡ mọi người bên ngoài cũng bàn luận cái chuyện này rất sôi nổi.
Facebooker Huỳnh Ngọc Chênh nói.

Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, những đồn thổi trên mạng về sức khỏe của chủ tịch Việt Nam đã cũng đẩy trang web mang tên ông nổi lên:

“Tôi thấy mọi người ở trên Face [Facebook] đang rạo rực về chuyện các lãnh đạo bị bệnh. Tôi gặp gỡ mọi người bên ngoài cũng bàn luận cái chuyện này rất sôi nổi. Có cái gì đó nó không rõ ràng ở chỗ sức khỏe của ông Trần Đại Quang. Dư luận đồn, ‘ông ấy như này, như kia’ thì ngã bệnh. Mọi người suy diễn ra chuyện này, chuyện khác. Cái trang Trần Đại Quang được vào nhiều nhất cũng vì lý do đó”.

Tin tức về bệnh tình của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang được cho là xuất phát trên trang Facebook cá nhân của blogger Osin Huy Đức, người cũng từng đưa đúng tin “Trịnh Xuân Thanh về [nước]”.

Osin Huy Đức từng đưa đúng tin về vụ Trịnh Xuân Thanh.

Hôm 10/8, Facebooker này viết: “Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25-7-2017. Sự vắng mặt của ông ở trong Nước suốt hơn hai tuần qua đã tạo ra một khoảng trống cho các lời đồn đoán. Đây có thể chỉ là lựa chọn cá nhân. Các nhà lãnh đạo vốn vẫn hy vọng vào kết quả điều trị để xuất hiện trở lại trước công chúng một cách hoành tráng. Chuyện này từng xảy ra với Chủ tịch nước Lê Đức Anh”.

Chiều 16/8, VOA Việt Ngữ đã gọi điện tới Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Trung ương Việt Nam, nhưng không nhận được câu trả lời.

Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.
Hiến pháp 2013 có đoạn.

Theo Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013, một trong các nhiệm vụ của Chủ tịch nước Việt Nam là “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân”, nhất là “công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh”.

“Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới”, hiến pháp viết tiếp.

Báo chí trong nước hôm 15/8 đưa tin rằng “Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm nay gửi điện mừng quốc khánh tới nguyên thủ các nước Ấn Độ và Liechtenstein”. Tuy nhiên, các hình ảnh đăng kèm được chụp từ các sự kiện xảy ra nhiều tháng trước.

Trong một diễn biến liên quan đến sức khỏe lãnh đạo trong nước, sau khi xuất hiện đồn đoán về bệnh tình của ông Đinh Thế Huynh, nhân vật số 5 ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tháng này đã buộc phải lên tiếng xác nhận ông đang “điều trị bệnh”, nhưng không nói rõ bệnh gì và ở đâu, đồng thời cử ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, tạm thời làm Thường trực Ban Bí thư.

Your browser doesn’t support HTML5

Cảnh sát quốc tế lên tiếng vụ Trịnh Xuân Thanh