Sau những đồn đoán về số phận dự án hợp tác khai thác năng lượng của Repsol với công ty dầu khí Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc, tập đoàn Tây Ban Nha hồi tháng 6 vừa qua ra thông báo rằng họ đã ký một thoả thuận với PetroVietnam để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần mà họ nắm giữ ở 3 lô ngoài khơi Việt Nam trên Biển Đông. Việt Nam đã phải đền bù bao nhiêu cho việc huỷ hợp đồng với đối tác nước ngoài?
Việt Nam đã đồng ý trả khoảng 1 tỷ USD cho hai công ty dầu khí nước ngoài sau khi huỷ bỏ các hoạt động khai thác của họ trên Biển Đông trước sức ép của Trung Quốc.
Một nguồn tin đáng tin cậy trong ngành dầu khí cho nhà nghiên cứu Bill Hayton của chương trình Châu Á-Thái Bình Dương thuộc viện nghiên cứu Chatham House ở Anh biết rằng công ty dầu khí nhà nước Việt Nam (PetroVietnam) sẽ trả tiền đền bù cho Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala của Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất theo các thoả thuận “chấm dứt” và “bồi thường.” Viết trên The Diplomat, ông Hayton cho biết người phát ngôn của Repsol nói trong một tuyên bố rằng ông “sẽ không sẵn sàng xác nhận hay phủ nhận các số liệu này” nhưng một phân tích về báo cáo tài chính của công ty này cho thấy có sự liên quan của một số tiền rất lớn.
Nhận định với VOA từ Việt Nam, ông Nguyễn Lê Minh, thành viên hội đồng phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam – thuộc Hiệp hội Năng lượng trong đó PetroVietnam là một thành viên, nói ông “không phản đối” con số 1 tỷ USD mà ông Hayton tiết lộ và cho rằng mức bồi thường này “là rất phù hợp.” Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA về thông tin này.
Thông tin về sự dàn xếp được đưa ra giữa lúc những căng thẳng mới trên Biển Đông dẫn đến những can thiệp chính trị vào ngành khai thác dầu khí trên vùng biển đầy tranh chấp. Mỹ gần đây đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt” Việt Nam và các quốc gia khác ở khu vực trong các hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Công ty năng lượng Rosneft có phần lớn vốn của chính phủ Nga cũng được cho là đã phải dừng thăm dò một giếng khoan ngoài khơi Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đưa các tàu thăm dò địa chất vào khu vực gần bãi Tư Chính thuộc vùng biển mà Việt Nam nói là thuộc chủ quyền của mình.
Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha từng là một trong những đối tác lớn nhất trong ngành dầu khí ngoài khơi của Việt Nam khi nắm quyền sở hữu tới 13 lô dưới đáy biển nhưng dường như sẵn sàng chịu áp lực chính trị từ Bắc Kinh vì có lợi ích tối thiểu ở Trung Quốc, theo ông Hayton – một nhà nghiên cứu về Biển Đông và tác giả cuốn sách “Biển Đông: Cuộc chiến quyền lực ở châu Á”. Hai trong số các triển vọng phát triển tốt nhất của Repsol gồm các lô nằm trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố đặc quyền kinh tế và trong đường 9 đoạn do Trung Quốc đơn phương đặt ra.
Tuy nhiên vào tháng 7/2017, PetroVietnam đã yêu cầu Repsol huỷ bỏ một dự án khoan thăm dò đã lên kế hoạch ở lô 135-136/3. Sau đó không lâu, vào tháng 3/2018, nhà điều hành của Tây Ban Nha lại bị yêu cầu dừng một dự án khoan thăm dò khác đã được triển khai ở lô 07.03 bên cạnh đó, một dự án được biết tên là Cá Rồng Đỏ. They ông Hayton, các nhà điều hành của Repsol được thông báo rằng đây là một quyết định chính trị do cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đưa ra sau khi có các áp lực rất lớn từ Trung Quốc. Được biết, Trung Quốc đã tập hợp một đội 40 tàu hải quân ngoài khơi bờ biển đảo Hải Nam, cách khu vực khoan thăm dò khoảng 2 ngày lái tàu, và dường như đã sẵn sàng để đối đầu.
“Xuất phát điểm dừng mỏ Cá Rồng Đỏ trong lô 07.03 là do sức ép từ Trung Quốc. Trước khi gây sức ép ngoài khơi để (khiến) chính phủ Việt Nam dừng thì họ đã gây sức ép với công ty mẹ của Repsol Việt Nam ở Tây Ban Nha rồi,” ông Minh, người nắm thông tin từ các lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, cho biết. “Ít ngày sau khi có vụ gây hấn của Trung Quốc ở ngoài khơi, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu nhà điều hành – tức Repsol – tạm dừng hoạt động gia công chế tạo dàn khai thác.”
Việt Nam chưa bao giờ lên tiếng chính thức về việc yêu cầu Repsol dừng các dự án thăm dò dầu khí với PetroVietnam trước sức ép của Trung Quốc nhưng tháng 6 vừa qua, công ty mẹ của Repsol Việt Nam ở Madrid, Tây Ban Nha, Repsol, ra thông báo họ đã chuyển nhượng lại cho PetroVietnam 51,75% số cổ phần ở lô 07/03 PSC và 40% cổ phần ở các lô 135-136/03 PSC của Việt Nam trên Biển Đông. Vụ chuyển nhượng này, theo thông báo, sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.
“Phương án thứ nhất là nếu tiếp tục thì phải bảo đảm ngoài khơi, và thứ 2 là nếu dừng thì đền bù một khoản tiền rồi chuyển nhượng,” ông Minh nói. “Đàm phán kéo dài từ tháng 3/2018 đến tận vừa rồi mới xong. Chốt hạ ra một con số.”
Theo phân tích của ông Minh, người từng làm việc ở VietsoPetro – một công ty thành viên của PetroVietnam, con số 1 tỷ USD gồm chi phí lịch sử khi Repsol mua lại của nhà điều hành Talisman với giá khoảng 500 triệu USD và sau đó bỏ ra khoảng gần 300 triệu USD trong quá trình phát triển mỏ, với khoảng 200 triệu USD giá trị tiềm năng và phí dừng. Trong khi đó, The Diplomat trích dẫn một nguồn tin trong ngành dầu khí khu vực nói rằng Việt Nam sẽ trả Repsol và Mubadala 800 triệu USD để đổi lấy quyền sở hữu các lô này và 200 triệu USD phí đền bù cho các chi phí đầu tư mà họ đã bỏ ra trong quá trình khai thác và phát triển dự án.
Lá chắn ‘đường lưỡi bò’ Mỹ-Nga?
Dù nhà nghiên cứu Hayton cho rằng đây là một “quyết định tốn kém” cho Hà Nội nhưng theo ông Minh, đây lại là một “thắng lợi” cho PetroVietnam và sẽ không gây thiệt hại lớn cho công ty dầu khí nhà nước Việt Nam.
Theo giải thích của ông Minh, trong các điều khoản chuyển nhượng của hợp đồng giữa Repsol và PetroVietnam có việc nếu không đạt được đồng thuận thì nhà điều hành – tức Repsol – có quyền bán cổ phần cho đối tác khác.
“Nếu không đạt đồng thuận mà trường hợp thứ 2 xảy ra, ví dụ bán cho Trung Quốc mỏ đó thì xảy ra nhiều thứ rủi ro lớn,” ông Minh nói. “Các đàm phán kéo dài gần 2 năm và chốt được con số chuyển nhượng 1 tỷ USD. Với 1 tỷ USD (PetroVietnam) lấy lại được cả 3 lô gồm cả mỏ Cá Rồng Đỏ hiện đã đi vào giai đoạn phát triển mỏ sau khi khoan, thăm dò và phát hiện trữ lượng – giờ chỉ đóng dàn đưa ra khai thác thôi.”
Ông Minh cho biết cuối năm nay việc bàn giao chính thức sẽ xảy ra và trùng với thời điểm chuyến thăm được dự kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam.
“Theo tôi biết lô dầu khí này đã được đưa vào trong nghị trình sắp tới khi TT Nga qua để đàm phán về hợp tác thêm ở khu vực đó,” ông Minh nói. “Khu vực đó đã có Rosneft và Gazprom rồi, trong khu bể Nam Côn Sơn. Rosneft và Gazprom đều là 2 tập đoàn lớn có vốn của chính phủ Nga (khoảng 50% vốn chính phủ). Việt Nam muốn ưu tiên các công ty này có chân đứng trong hợp tác sắp tới.”
Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn cản các công ty nước ngoài hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông vẫn đang tiếp diễn, theo nhà nghiên cứu Hayton. Tháng trước, Việt Nam được cho là đã phải gỡ bỏ một dàn khoan dầu sau hai tháng đứng ở cảng Vũng Tàu trong thời gian Trung Quốc điều một tàu khảo sát và tàu tuần duyên đến khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam. Dàn khoan này được dự kiến khoan thăm dò cho công ty Rosneft của Nga tại lô 06.01, một khu vực ngay gần lô 07.03 – tức mỏ Cá Rồng Đỏ – trước đây của Repsol nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn.
Tuy nhiên theo ông Minh, Trung Quốc hiện đang phụ thuộc năng lượng của Nga, sau khi Bắc Kinh ký hợp đồng trị giá 400 tỷ USD năm 2013 mua khí từ Rosneft trong 20 năm, nên nếu “Nga can thiệp thì Trung Quốc sẽ hạ nhiệt.”
Tập đoàn năng lượng của Mỹ ExxonMobil, hiện đang hợp tác với Việt Nam tại mỏ Cá Voi Xanh (Blue Whale), ngoài khơi Đà Nẵng, gần quần đảo Hoàng Sa. Hồi năm ngoái, đã có những đồn đoán về việc ExxonMobil rút lui khỏi dự án giữa lúc Bắc Kinh được cho là “gây áp lực” với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó lên tiếng phủ nhận những thông tin rằng ExxonMonil sẽ bán 64% cổ phần trong dự án này. Tháng trước, hai tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam, gồm PVN và EVN, cho biết họ và ExxonMobil sẽ hoàn thành đàm phán hợp đồng bán khí từ mỏ Cá Voi Xanh trong năm nay.
Giữa tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ ra một tuyên bố về Biển Đông trong đó Ngoại trưởng Mike Pompeo mô tả “chiến dịch bắt nạt” của Trung Quốc nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp.”
“Ở Biển Đông theo tôi hiểu chỉ có Nga và Mỹ thôi thì mới hạ nhiệt được tình hình,” ông Minh nói. “Phía trên có Mỹ với ExxonMobil – mỏ Cá Voi Xanh – ngoài khơi Quảng Nam gần phía trong quần đảo Hoàng Sa (lô 118) còn phía dưới bể Nam Côn Sơn có hai đại gia của Nga là Rosneft và Gazprom. Trên có Mỹ và dưới có Nga thì nó là hai chốt chặn và hai tấm lá chắn sẽ chắn lại đường lưỡi bò của Trung Quốc.”