Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể là nguyên nhân khiến cho bốn trẻ sơ sinh tử vong đồng loạt ở tỉnh Bắc Ninh, theo kết luận ban đầu của Hội đồng Chuyên môn Sở Y tế Bắc Ninh được công bố vào chiều ngày 21/11, báo chí trong nước đưa tin.
Kết luận ban đầu của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự dựa trên kết quả giám định pháp y cũng cho thấy bốn trẻ tử vong là do ‘sốc nhiễm khuẩn’, theo báo mạng VnExpress.
Bốn bé sơ sinh này, được cho đều là trẻ sinh non, yếu, nhẹ cân và mang bệnh bẩm sinh, đã tử vong vào sáng ngày 20/11 tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, sau khi được chăm sóc trong lồng ấp và được cho thở máy.
Vụ việc đã khiến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải về Bắc Ninh thị sát tình hình và có buổi làm việc với giới hữu trách Y tế của tỉnh này trong ngày 21/11. Một Hội đồng Chuyên môn bao gồm các bác sỹ Nhi và Sản khoa đầu ngành cùng với giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh đã được thành lập để điều tra về vụ việc.
Ngoài 4 trẻ đã tử vong, 7 trẻ khác ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cũng đã được xác địch bị nhiễm trùng huyết và đã được chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, ngay chiều tối 20/11 cùng với bốn trẻ khác cũng đang được điều trị tại bệnh viện này.
Theo công bố của bà Tô Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, tại buổi họp báo chiều ngày 21/11, thì bốn trẻ tử vong này “đã nhiễm khuẩn sau 3-5 ngày điều trị tại bệnh viện” và “Nguyên nhân nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện”.
Hiện kíp trực trong ngày 20/11 đã bị Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đình chỉ để tường trình và phục vụ điều tra còn buồng cách ly bé sơ sinh tại đây cũng đã bị đóng cửa để khử khuẩn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhìn nhận đây là một vụ việc ‘bất bình thường’ vì bốn bé sơ sinh chết ‘trong cùng một ngày, cùng một khoa’.
Trao đổi với VOA, Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người từng là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nói rằng “nhiễm khuẩn bệnh viện cũng có thể có”.
“Có những loại vị trùng thường xuyên có trong bệnh viện. Trẻ non tháng là rất dễ nhiễm bệnh, dễ chết,” bà giải thích, “Có một thắc mắc là tại sao các bé cùng tử vong trong một buổi sáng.”
“Cũng có khả năng là các cháu đã bị nhiễm trùng dài ngày rồi nhưng không được điều trị đúng mức đến mức các cháu yếu quá và bị chết cùng một lúc,” bà nói thêm.
Bà Phượng cũng nhận định rằng nếu để xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn thì lỗi là “ở bệnh viện”.
“Lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa phải có trách nhiệm,” bà nói. “Có tai biến nghiêm trọng như vậy thì là lỗi hệ thống chứ không phải lỗi cá nhân.”
Tuy nhiên bà cũng mong dư luận đừng quá khắt khe đối với những người làm ngành y ở Việt Nam.
“Đã làm trong ngành Y khoa thì không ai muốn bệnh nhân mình bị tai biến. Đây là điều mình phải thông cảm cho người làm trong ngành.”
Bà nói rằng bên Mỹ cũng có những sơ suất trong ngành y làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Bà nói thêm:
“Xin dư luận đừng quá sức buộc tội những người làm trong ngành. Ngành y tế Việt Nam cũng phải nói là làm việc rất nặng nhọc. Cứ mỗi lần xảy ra tai biến như thế thì cả xã hội lên án.”
“Nếu áp lực nặng nề quá thì chắc là ngành y ai cũng ngán ngẩm lắm (không dám vào)”.
Your browser doesn’t support HTML5