Trị bệnh trầm cảm

Thính giả tên Dung Nguyễn ở Việt Nam hỏi:

"Thưa Bác sĩ,

Bác sĩ có thể trả lời giúp em là em có tự mua thuốc trị trầm cảm mà không cần đến bệnh viện hay gặp bác sĩ tư vấn được không ạ?

Em năm nay 29 tuổi và khá mất tự tin khi giao tiếp, gặp người lạ, đôi lúc chán nản, vậy em muốn tự mua thuốc điều trị. Bác sĩ có thể kê thuốc và cho em phác đồ điều trị được không ạ?

Cám ơn Bác sĩ”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Trị bệnh trầm cảm

Your browser doesn’t support HTML5

Trị bệnh trầm cảm

Thống kê ở Mỹ cho biết 100 người lớn, đến 6-7 người mắc chứng trầm cảm, và có những thuốc được chứng minh là hiệu nghiệm chữa bịnh trầm cảm. Theo luật ở Mỹ, bác sĩ phải đối mặt với bịnh nhân và thiết lập quan hệ chính thức giữa người chữa bịnh và người bịnh, có khám bịnh và hồ sơ bịnh án đàng hoàng mới biên toa cho bịnh nhân được. Tôi thiết nghĩ luật lệ ở Việt Nam cũng vậy.

Tuy nhiên, đối phó với các triệu chứng trầm cảm không phải chỉ có thuốc mà thôi. Người bịnh cần tìm hiểu thêm về bịnh của mình, trước hết là xem chứng trầm cảm có phải do một bịnh gì khác gây ra hay không. Ví dụ bịnh suy tuyến giáp (hypothyroidism; tuyến giáp: tuyến hình chữ H hoa, nằm trước cổ) cũng làm bịnh nhân thấy mất sinh lực, buồn bã; một số thuốc beta-blocker như Lopressor dùng chữa bịnh huyết áp cao có thể gây trầm cảm. Thuốc ức chế bơm proton (proton pump inhibitor, vd omeprazole/Prilosec) để trị bịnh dạ dày quá nhiều axít, thuốc an thần, thuốc statin hạ cholesterol (vd Lipitor), ngay cả một số thuốc kích thích (stimulant) cũng có thể gây trầm cảm. Tâm lý trị liệu (psychotherapy) có thể hiệu nghiệm nhưng cần phải chọn người tâm lý gia (therapist) thích hợp. Thuốc men cũng vậy, có thể phải thử nhiều thuốc mới tìm thấy thuốc hợp với mình.

Có những biện pháp hữu hiệu có ích cho người bịnh:

  • thể thao, thể dục, ví dụ đi bộ, chạy 30 phút ngày, có thể đủ để giải quyết trầm cảm,
  • dinh dưỡng: các bữa ăn nhỏ và đều đặn, không dùng đường nhiều quá, mà dùng những chất tinh bột cabohydrate hấp thụ chậm hơn,
  • ngủ đúng giờ, đầy đủ, ít lắm là 7-8 giờ/ ngày,
  • giao thiệp, kết nối với bạn bè, người thân, nâng đỡ nhau; tìm người mình có thể tâm sự, không co rút, ngại ngùng giấu diếm nỗi lo, ưu tư của mình.

Các chế phẩm từ thảo dược và một số "thực phẩm bổ sung" (dietary supplements) có thể có tác dụng tốt trên những triệu chứng trầm cảm, nhưng cần nghiên cứu nhiều hơn để xác định loại nào có ích nhất.

Đối với y khoa tại Mỹ, cơ quan kiểm soát thực phẩm và thuốc (FDA) không công nhận những chất bổ sung này là "thuốc" (drug, medicine), dù cần toa hay không, để trị bịnh trầm cảm. Cho nên FDA có thể không quản lý và kiểm soát các chất này lúc chúng được quảng cáo và bán trên thị trường. Người dùng các chất này phải tự mình tìm hiểu từ những nguồn thông tin đáng tin cậy, kiểm tra phẩm chất thuốc, dùng liều vừa phải sau khi tham khảo với bác sĩ của mình nếu cần. Điểm quan trọng nhất là không được ngưng thuốc của bác sĩ kê toa một cách đột ngột và thay thế bằng các chất "bổ sung" này. Cũng không được dùng các chất "bổ sung"này chung với thuốc chống trầm cảm do bác sĩ kê đơn vì tác dụng từ hai bên có thể cọng lại và gây tình trạng nguy hiểm, một trong những lý do là mức serotonin trong cơ thể có thể lên cao quá mức.

1. St John Wort: Trong St John's wort: wort=cây, cây thuốc, dược thảo; khóm cây này ra hoa vàng nhìn tương tự như hoa mai chúng ta,vào khoảng tháng 6 lúc lễ ông Thánh Gioan (Baotixita), được dùng ở châu Âu từ thời cổ đại Hy-lạp để trừ tà và chữa nhiều bịnh khác nhau, như bịnh ngoài da, bịnh hành kinh phụ nữ, bịnh đau nhức. Chất “bổ sung thảo dược” (herbal supplement) này không được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận để điều trị chứng trầm cảm ở Hoa Kỳ, nhưng được dùng để điều trị trầm cảm phổ biến ở Châu Âu. Mặc dù có thể hữu ích cho trầm cảm nhẹ hoặc trung bình, cần cẩn thận. St. John Wort có thể tương tác với nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc giảm cân, thuốc ngừa thai, hoá trị liệu, thuốc chống HIV / AIDS, thuốc chống cơ chế đào thải của cơ thể sau khi cấy ghép các bộ phận (drugs against organ rejection). Ngoài ra, tránh dùng St. John Wort trong khi dùng thuốc chống trầm cảm - sự kết hợp có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng.

2. SAMe: "Chất bổ sung" này là một dạng tổng hợp của một chất hóa học xảy ra tự nhiên trong cơ thể. SAMe (phát âm “Xam-I”) viết tắt của S-adenosylmethionine. SAMe không được FDA chấp thuận để điều trị chứng trầm cảm ở Hoa Kỳ, nhưng được sử dụng ở Châu Âu như một loại thuốc theo toa để điều trị chứng trầm cảm. SAMe ảnh hưởng đến chất truyền dẫn serotonin trong não bộ. SAMe có thể hữu ích, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn. Trong liều cao hơn, SAMe có thể gây buồn nôn và táo bón. Không sử dụng SAMe nếu bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm theo toa/đơn - kết hợp cả hai thứ có thể dẫn đến các phản ứng phụ nghiêm trọng.

3. Omega-3 fatty acids:

Hiện nay một trong những bận tâm lớn của y khoa phòng ngừa là tìm cách hạ cholesterol trong máu để giảm những biến cố về tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Tuy vấn đề này còn trong vòng tranh luận, có những bằng chứng cho thấy ăn ít mỡ và hàm lượng cholesterol thấp trong máu có thể liên hệ đến bịnh trầm cảm và tự sát (mood disorders; "rối loạn về tâm cảnh"). Lý do là cholesterol đóng vai trò quan trọng trong trong việc tổng hợp serotonin, trong biến dưỡng các tế bào thần kinh và trong những hormone liên quan đến stress và tính dục (stress and sex hormones) cũng như biến dưỡng của vitamin D; các chất này cũng có vai trò quan trọng trong trạng thái tâm lý , tình cảm của con người.

Trong bối cảnh đó, có những khảo cứu cho thấy một số chất béo như a-xít béo omega-3 có thể có ích cho sức khoẻ tình cảm, làm giảm các triệu chứng trầm cảm.

Những chất béo này được tìm thấy trong cá sống trong nước lạnh (cold water fish), hạt lanh (flaxseed), dầu hạt lanh (flaxseed oil; (chỉ ăn tươi, không được nấu nướng sẽ làm hư axit béo omega-3), hạt óc chó (walnut) và một số thực phẩm khác. Chất Omega-3 dùng như là bổ sung thực phẩm đang được nghiên cứu về khả năng chữa bịnh trầm cảm và triệu chứng trầm cảm ở những người bị rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder hay “manic-depressive”,người bịnh có những cơn hăng say hay "mania" xen kẻ với những cơn trầm cảm hay 'depression"). Mặc dù được xem là an toàn, omega-3 có thể có vị tanh như mùi cá, và với liều lượng cao, nó có thể tương tác với các thuốc khác. Mặc dù ăn các thực phẩm có axit béo omega-3 có thể có lợi cho sức khoẻ tim mạch, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem nó có ảnh hưởng đến việc ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng trầm cảm hay không.

4. Chiết xuất từ “nghệ tây” (saffron extract; saffron=crocus sativus; lấy từ phần stigma của hoa safron, không phải củ nghệ của ta) có thể cải thiện triệu chứng trầm cảm, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn. Liều cao có thể gây ra các phản ứng phụ đáng kể.

5. 5-HTP. (5-hydroxytryptophan), hiện có bán trên thị trường tại Hoa Kỳ, nhưng đòi hỏi phải có toa thuốc ở một số quốc gia. Sử dụng 5-HTP có thể cải thiện mức độ serotonin là một chất dẫn truyền trong hệ thần kinh có ảnh hưởng đến trạng thái vui buồn (serotonin thấp đi đôi với bịnh trầm cảm), giấc ngủ, khẩu vị (dùng cho người mập bớt ăn lại) nhưng bằng chứng chỉ sơ bộ và cần nhiều nghiên cứu hơn nữa. Có một mối lo ngại về an toàn khi sử dụng 5-HTP, nhất là nếu dùng liều quá cao, hay dùng kèm theo một thuốc chống trầm cảm khác, có thể gây ra một bịnh thần kinh nguy hiểm, hội chứng serotonin (bứt rứt khó chịu, toát mồ hôi, tim đập nhanh, loạn nhịp, chết).

6. Dehydroepiandrosterone, còn được gọi là DHEA, là một hormone của cơ thể bình thường do tuyến thượng thận tiết ra. Nồng độ DHEA cao nhất trong máu vào tuổi 20-30; đến tuổi 40 giảm xuống chỉ còn một nửa; tới 65 tuổi chỉ còn 10-20%. Sự thay đổi hàm lượng DHEA có liên quan đến chứng trầm cảm. Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy triệu chứng trầm cảm được cải thiện khi dùng DHEA như một chất bổ sung chế độ ăn uống - tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn. Một khảo cứu trên 46 bịnh nhân nam và nữ 45-65 tuổi bị trầm cảm chữa bằng DHEA 90-450mg trong 6 tuần giảm triệu chứng đến 50%.(Schmidt 2005) . Mặc dù nó thường thường không gây vấn đề gì, DHEA có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt nếu sử dụng với liều cao hoặc lâu dài. DHEA có thể làm tăng hormone nam testosterone hay nữ estrogen; một số người dùng DHEA để được "cường dương", tăng libido. Có thể gây các biến chứng làm da nhờn, khó chịu dạ dày, phụ nữ mọc lông nhiều trên mặt, tiếng trầm xuống ồ ể như đàn ông,rới loạn kinh nguyệt, nhức đầu, nghẹt mũi, mất ngủ, áp huyết lên cao. DHEA trong “khoai lang hoang” (wild yam) không có hiệu quả; "wild yam" chứa chất diosgenin cho nên có thể dùng để chế biến ra DHEA trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên mặc dù một số quảng cáo dùng wild yam như "DHEA thiên nhiên", chuyện này không đúng vì cơ thể chúng ta không chuyển hoá diosgenin thành DHEA được, phải dùng thuốc DHEA thật nếu thật sự cần thiết.

Chúc bịnh nhân may mắn,

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 16 tháng 10 năm 2017

Tham khảo:

1) Dehydroepiandrosterone Monotherapy in Midlife-Onset Major and Minor Depression

Peter J. Schmidt et al

https://jamanetwork.com/journals/jamapsychiatry/fullarticle/208294

2) James M. Greenblatt M.D : Is Your Depression Linked to Low DHEA Levels?

https://www.psychologytoday.com/blog/the-breakthrough-depression-solution/201107/is-your-depression-linked-low-dhea-levels

3) J Integr Med. 2013 Nov;11(6):377-83. doi: 10.3736/jintegrmed2013056. Saffron (Crocus sativus L.) and major depressive disorder: a meta-analysis of randomized clinical trials.

Hausenblas HA1, Saha D, Dubyak PJ, Anton SD.

4) https://www.psychologytoday.com/blog/the-breakthrough-depression-solution/201106/low-cholesterol-and-its-psychological-effects

5) Quandaries
Relationship to Depression and the Suicidal Experience
Randy A. Sansone, MD corresponding author

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2710104/

6) remedies for depression: Are they effective?

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/expert-answers/natural-remedies-for-depression/faq-20058026

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.