Ba nhà trí thức và một doanh nhân nói với VOA họ không lo ngại khi 9 sỹ quan cấp tướng, tá công an, quân đội nắm những chức cao nhất của Việt Nam và chiếm đa số trong Bộ Chính trị, mặc dù vậy, họ muốn thấy các nhà lãnh đạo đó cải cách, lắng nghe và trọng dụng các nhà kỹ trị.
Hiện nay, Đại tướng công an Tô Lâm nắm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, có thực quyền lãnh đạo cao nhất; Đại tướng quân đội Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước; và ông Phạm Minh Chính, từng mang hàm trung tướng công an, là Thủ tướng từ cuối tháng 7/2021.
Ba ông cùng với 6 sỹ quan cấp tướng, tá công an, quân đội chiếm thế đa số trên tổng số 15 ủy viên trong Bộ Chính trị, nhóm chóp bu của đảng có quyền quyết sách lớn nhất.
Theo quan sát của VOA, nhiều người tỏ ý lo ngại trên mạng xã hội về sự trỗi dậy nắm quyền thống lĩnh của phe các lực lượng vũ trang, còn được gọi một cách không chính thức là “phe cầm quân”, có thể làm cho Việt Nam suy giảm mức độ cởi mở và các động thái trấn áp các quyền tự do sẽ gia tăng.
Nhưng từ góc nhìn riêng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đại Lược, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, nói với VOA rằng ông không thấy lo ngại vì sự thay đổi về bộ máy lãnh đạo Việt Nam cần được đặt trong bối cảnh chưa bao giờ đất nước hội nhập quốc tế nhiều và có các điều kiện phát triển thuận lợi như hiện nay, với các đối tác chiến lược toàn diện bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước châu Âu…
Ông Lược cũng lưu ý rằng ông Tô Lâm hay ông Phạm Minh Chính đều từng thực hiện “xuất sắc” công tác điều hành trong các chức vụ cũ trước trở thành nhà lãnh đạo tầm quốc gia.
Điểm lại rằng TBT Tô Lâm đã đăng một loạt bài viết về khuyết điểm của thể chế, cần thay đổi bộ máy, đề cao nhân dân…, và CTN Lương Cường cam kết thúc đẩy sự phát triển của đất nước, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận xét rằng hai nhà lãnh đạo – cho dù họ vốn là tướng công an, quân đội – đang “mang lại hy vọng” về “cải cách”.
Doanh nhân Trần Quốc Quân nói ông cũng mong sẽ thấy có “một bước đột phá, đổi mới trong chính sách lãnh đạo” sau khi theo dõi những phát biểu của ông Tô Lâm cả ở trong nước lẫn khi công du nước ngoài.
Nhưng vì Việt Nam vẫn trong cơ chế một đảng cầm quyền, ông Quân nói thêm là “không kỳ vọng quá nhiều”, phải chờ xem các việc làm của giới lãnh đạo xuất thân từ công an, quân đội ra sao:
“Ông [Tô Lâm] đã chỉ ra điểm nghẽn lớn nhất của điểm nghẽn là thể chế thì ông cải cách đi. Nói phải đi đôi với làm thì dân mới chịu và tôi cũng mới chịu. Còn nói một đằng làm một nẻo lại như trước đây thôi”.
Thể hiện cái nhìn thực dụng, doanh nhân Trần Quốc Quân dẫn ra chế độ mà ông gọi là “phản dân chủ, độc đoán, chuyên quyền” ở Hàn Quốc thời những năm 1960-1970 và ở Trung Quốc bấy lâu nay để nói rằng không phải là phương pháp cai trị như vậy không thể mang lại kết quả “dân giàu, nước mạnh”.
Nhưng ông vẫn đề cao nhà nước dân chủ với sự tham chính của các nhà kỹ trị, điều mà nhiều nhà quan sát cho là đang thiếu vắng trong đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Việt Nam hiện nay. Ông Quân nói với VOA:
“Cuối cùng đi đến xã hội văn minh phải là xã hội dân chủ, kỹ trị. Ở Việt Nam, cần nhất hiện nay là đổi mới, không chỉ là lãnh đạo về kinh tế mà về chính trị rất là cần thiết. Dưới nền tảng đảng lãnh đạo thì kỹ trị cũng thế thôi. Tôi mong có sự đột phá trong chính sách lãnh đạo. Kỹ trị là hướng tới, không phải là chìa khóa. Nền dân chủ, pháp quyền quan trọng hơn các nhà kỹ trị”.
Ông Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, với bề dày hàng chục năm nắm tình hình Việt Nam, nêu ra một ví dụ về nhược điểm của việc có ít nhà kỹ trị trong bộ máy.
Đó là Quốc hội trước đây xây dựng những ‘luật ống’ chỉ gồm các quy định khung, khi thực thi, công chức, cán bộ hướng dẫn rất nhiều, dẫn đến sự lạm quyền. Vì vậy, để hạn chế ‘luật ống’, họ đưa ra các luật pháp mà giờ đây bị xem là quá chi tiết, trói buộc. Ông Tâm Chánh bình luận với VOA:
“Nó cứ gập ghềnh, chập chờn như vậy là xuất phát từ thực tế là thiếu đội ngũ kỹ trị rất là lớn. Rõ ràng Việt Nam đang thiếu bộ máy kỹ trị và nó làm cho quá trình đổi mới khi thì thế này khi thì thế kia. Có nhiều cán bộ hiện nay không dám làm gì hết”.
“Việt Nam vẫn có nhà kỹ trị. Vấn đề là có dùng những người đó để đưa lên các vị trí quản lý hay không. Ông tổng bí thư đã nêu lên thể chế là điểm nghẽn rõ rệt nhất. Vậy thì biện pháp thay đổi sẽ là như thế nào?”, TS. Lê Đăng Doanh đặt vấn đề.
Ngay cả khi giới kỹ trị chưa được giao các vị trí lãnh đạo cao cấp, họ cũng vẫn rất có giá trị trong vai trò cố vấn, ông Doanh nói và nêu dẫn chứng là các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải trước đây đã tham khảo, lắng nghe các chuyên gia – kể cả những vị trí thức của Việt Nam Cộng Hòa – để đưa ra những quyết định sáng suốt. TS. Doanh đưa ra lời khuyên:
“Trước khi ban hành các quyết định về chính sách, hãy tham khảo ý kiến các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và ngoài nước để biết cần thay đổi như thế nào. Hiện nay, tình hình thay đổi nhanh chóng, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo AI, tình hình quốc tế khó dự đoán… Trước đây, các lãnh đạo đã lập ra các ban tham vấn và nghiên cứu rồi, bây giờ điều này càng cần thiết”.
“Nếu các nhà lãnh đạo ra quyết định mà không tham khảo các chuyên gia, không khảo sát thực tế, điều tra một cách khoa học, có hệ thống, thì có thể có tác động hết sức nghiêm trọng”, ông Doanh nói tiếp, đồng thời nêu ra trường hợp thất bại của Vinashin và một số tập đoàn nhà nước khác dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã giải thể ban nghiên cứu của thủ tướng vào cuối tháng 7/2006.
Về phần mình, PGS.TS. Võ Đại Lược kể lại rằng xa hơn về quá khứ, các nhà lãnh đạo đảng của Việt Nam gồm hai ông Trường Chinh và Đỗ Mười cũng thường lắng nghe các chuyên gia, từ đó đi đến những quyết sách lớn lao như từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa sang nền kinh tế hàng hóa, hay giảm lạm phát thành công từ mức hàng trăm phần trăm xuống còn vài phần trăm.
“Điều quan trọng là những người làm chính trị phải nghe ý kiến các học giả, ý kiến tư vấn của các giới, quan trọng là phải có nhóm tư vấn gồm các học giả trên nhiều lĩnh vực”, ông Lược nhấn mạnh.